Nêu quan điểm về vụ Tổng giám đốc Thuduc House bị bắt, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, năm 2021, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu có xu hướng diễn ra rất phức tạp, cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều vụ việc liên quan đến các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai gây thất thoát tài sản, vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hoá y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid- 19.
Trong đó, có một số vụ việc liên quan đến tội phạm tham nhũng, buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hơn 53 triệu USD ra nước ngoài và chiếm đoạt hàng trăm tỷ tiền thuế là một vụ án hình sự mang tính nghiêm trọng và phức tạp, điển hình cho các vụ án hình sự buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở nước ta hiện nay.
Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi của một người bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn gian dối được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.
Các đối tượng trong vụ việc nêu trên đã sử dụng những thủ đoạn hết sức tinh vi: sử dụng chứng minh nhân dân giả để thành lập hàng trăm doanh nghiệp, giả chữ ký để mở tài khoản ngân hàng, lập hợp đồng mua bán, xuất nhập khẩu, tạo dựng hồ sơ mua bán đã chiếm đoạt hơn 153 tỷ tại Cục Thuế tỉnh Tây Ninh.
Đây là một vụ án có rất nhiều đồng phạm, trong đó Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức đóng vai trò là người thực hiện đã lập hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng để chiếm đoạt trên 365 tỷ đồng tại Cục Thuế TP.HCM.
Đồng phạm trong một vụ án hình sự sẽ phải chịu hình phạt tương ứng với mức độ vai trò của mình trong vụ án đồng phạm đó. Tuy nhiên, mức độ đến đâu còn phụ thuộc vào kết quả của Cơ quan điều tra nhưng với số tiền chiếm đoạt trên 365 tỷ đồng là một con số quá lớn.
Theo luật sư Tùng, điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định như sau:
Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp.
Hoặc bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, từ 12 năm đến 20 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
"Như vậy, Nguyễn Vũ Bảo Hoàng có thể phải chịu mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm", luật sư Tùng nói.
Ngoài ra, đối với Trịnh Tiến Dũng là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tổ chức, chỉ đạo các đối tượng khác thực hiện tội phạm thực hiện các hành vi: sử dụng chứng minh nhân dân giả để thành lập hàng trăm doanh nghiệp ở Việt Nam; ký giả chữ ký Giám đốc để mở tài khoản ngân hàng; lập hợp đồng mua bán, xuất nhập khẩu hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng với các công ty nước ngoài…
Như vậy, đối tượng này có thể phải đối mặt với các tội danh sau: Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Khoản 2 Điều 314 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt tù từ 02 năm đến 05 năm do phạm tội có tổ chức.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
Tội buôn lậu quy định tại Khoản 4 Điều 88 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt phạt tù từ 12 năm đến 20 năm nếu thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.
Thêm vào đó, theo quy định về đồng phạm trong Bộ luật hình sự thì Trịnh Tiến Dũng còn là người tổ chức, tức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy và đóng một vai trò cực kì quan trọng trong quá trình thực hiện tội phạm.
Đây là một tình tiết định khung tăng nặng cho tội phạm trong các vụ án về đồng phạm. Theo đó, ở các tội danh này, Trịnh Tiến Dũng có thể sẽ phải chịu mức hình phạt cao nhất cho hành vi phạm tội của mình.
Đồng quan điểm, ông Phạm Quang Bình (ở quận 1.TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, việc Tổng giám đốc Thuduc House bị bắt đã gây xôn xao dư luận ở TP.Hồ Chí Minh. Ông này bị cáo buộc một số vi phạm liên quan đến tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Như vậy, số tiền gây thất thoát cho Nhà nước có thể là rất lớn.
"Đây là một trong những loại tội phạm vô cũng nguy hiểm của xã hội, lừa đảo để bòn rút sức khỏe tài chính của cộng đồng, đất nước, cơ quan chức năng cần phải điều tra làm rõ hậu quả và cần phải áp dụng hình phạt thích đáng để làm gương cho xã hội", ông Bình chia sẻ.
Ngày 25/11, nguồn tin của phóng viên Dân Việt cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Vũ bảo Hoàng (SN 1976, ngụ TP. Thủ Đức, TP.HCM), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại khoản 4, Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã có thông báo chính quyền phường An Phú, TP. Thủ Đức (nơi ông Hoàng tạm trú) và gia đình của ông Hoàng về việc bắt tạm giam vị TGĐ này. Hiện, ông Hoàng đang bị tạm giam tại Trại giam T16, Bộ Công an.
Quá trình điều tra cơ quan công an cũng xác địnhTrịnh Tiến Dũng là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tổ chức, chỉ đạo các đối tượng tại Việt Nam và nước ngoài sử dụng chứng minh nhân dân giả để thành lập hàng trăm doanh nghiệp ở Việt Nam; ký giả chữ ký Giám đốc để mở tài khoản ngân hàng; lập hợp đồng mua bán, xuất nhập khẩu CD Rom chứa phần mềm và linh kiện điện tử (hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng..) với các công ty nước ngoài (gồm: Mỹ, Hồng Kông).