Dân Việt

Không chủ quan khi đau thắt ngực

Bạch Dương 26/11/2021 11:38 GMT+7
Đối với bệnh động mạch vành, đau thắt ngực là triệu chứng điển hình nhất, thường gặp ở hơn 50% người bệnh. Chẩn đoán và điều trị bệnh sớm là yếu tố quan trọng giúp người bệnh phòng ngừa các biến cố tim mạch nguy hiểm có thể xảy ra.
Không chủ quan khi đau thắt ngực - Ảnh 1.

Can thiệp tim mạch cho người bệnh tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM. Ảnh: BVCC

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM gần đây tiếp nhận cấp cứu cho người bệnh Lâm Ngọc T (55 tuổi, ngụ tại TPHCM). Ông T nhập viện do lên cơn đau thắt ngực dữ dội và khó thở. Bác sĩ chẩn đoán đây có thể là dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp, chỉ định thực hiện chụp mạch vành và siêu âm trong lòng mạch.

Kết quả kiểm tra cho thấy người bệnh bị bán tắc mạch vành, mảng xơ vữa hẹp dài lan rộng. Ông T được bác sĩ can thiệp bằng phương pháp đặt stent đồng thời kê toa thuốc điều trị. Do được can thiệp kịp thời, người bệnh hết đau ngực, khả năng gắng sức cải thiện và có thể xuất viện sau gần 1 tuần theo dõi.

GS.TS.BS. Trương Quang Bình – Phó Giám đốc bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, đau thắt ngực là một trong những triệu chứng quan trọng của bệnh tim mạch nói chung và bệnh động mạch vành nói riêng. 

Đau thắt ngực do tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ, một nhánh động mạch vành bị hẹp (chủ yếu do xơ vữa động mạch) từ đó làm giảm dòng máu nuôi tim và gây nên đau thắt ngực.

Một cơn đau thắt ngực điển hình thường có 3 dấu hiệu chính: Xuất hiện khi người bệnh gắng sức, giảm trong vòng 5 phút sau khi nghỉ và đau kiểu bóp nghẹt hoặc đè nặng sau xương ức, có thể lan lên cổ, hàm dưới, vai hoặc cánh tay.

Theo ThS.BS Vũ Hoàng Vũ – Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trong trường hợp người bệnh không xuất hiện cơn đau thắt ngực hoặc có cơn đau không điển hình, bác sĩ cần thực hiện một số thăm dò để xác định bệnh nếu có nghi ngờ như: điện tâm đồ, nghiệm pháp gắng sức, siêu âm tim, xạ hình tim, chụp cắt lớp điện toán động mạch vành có cản quang hoặc chụp mạch vành chọn lọc dưới máy DSA…

Không chủ quan khi đau thắt ngực - Ảnh 3.

Đau thắt ngực là một trong những triệu chứng quan trọng của bệnh tim mạch nói chung và bệnh động mạch vành nói riêng. Ảnh: IT

Đối với bệnh lý động mạch vành có tình trạng đau thắt ngực, mục tiêu điều trị cần đảm bảo giảm thiểu tối đa tần suất cũng như cường độ cơn đau thắt ngực, phòng ngừa biến cố nhồi máu cơ tim cấp và ngăn chặn tiến triển bệnh trên hệ thống động mạch vành.

Đặc biệt, việc thay đổi lối sống, sinh hoạt và giảm yếu tố nguy cơ gây bệnh (đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì…) là một yếu tố rất quan trọng trong điều trị và phòng ngừa bệnh động mạch vành. Đối với chế độ dinh dưỡng, người bệnh cần xây dựng khẩu phần ăn hợp lý với đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, giảm chất béo và hạn chế muối. Thêm vào đó việc tuân thủ chế độ tập luyện phù hợp, bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia cũng vô cùng quan trọng.

Ngoài các nguyên tắc về chế độ dinh dưỡng, người bệnh cần kết hợp thêm các hoạt động luyện tập. Việc vận động hằng ngày (khoảng 30 phút/ngày và khoảng 5 ngày/tuần) là rất cần thiết. Tuy nhiên, cường độ luyện tập cao sẽ không tốt cho tim và các hoạt động phải đảm bảo 3 giai đoạn: khởi động từ từ với cường độ tăng dần, duy trì nhịp tim ở mức tối ưu và giảm dần cường độ. Việc này sẽ giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim và tăng sức bền cho hệ tim mạch. Các hoạt động được khuyến khích cho người bệnh động mạch vành gồm: đi bộ nhanh vừa phải (tốc độ khoảng 5 – 6 km/giờ), chạy bộ, đạp xe, khiêu vũ, làm vườn…

GS Trương Quang Bình cho biết, người bệnh cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, uống thuốc đầy đủ và tái khám đều đặn để phòng ngừa biến cố tim mạch. Nếu có các dấu hiệu của cơn đau thắt ngực hay nghi ngờ nhồi máu cơ tim cấp như: đau ngực dữ dội, lo lắng, vã mồ hôi, ngát xỉu.... người bệnh cần được đưa đến bệnh viện nhanh chóng để được chẩn đoán và cấp cứu, điều trị kịp thời.