Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước là các tỉnh giáp ranh TP.HCM và Bình Dương, vào đầu đợt dịch thứ 4 ghi nhận rất ít ca nhiễm, trong giai đoạn cao điểm dịch được xem là những địa phương chống dịch hiệu quả.
Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 16/10 bắt đầu giai đoạn "thích ứng an toàn với Covid", tổng số ca nhiễm ghi nhận đến khi ấy là 4.200 ca; tỉnh Bình Phước suốt giai đoạn dịch bùng phát tại TP.HCM, Bình Dương, tổng số ca khoảng hơn 1.000. Tuy nhiên, từ cuối tháng 10 đến nay, số ca nhiễm ở các tỉnh này tăng cao.
Bà Rịa - Vũng Tàu nửa tháng nay số ca nhiễm liên tục tăng 200-500 mỗi ngày. Riêng ngày 23/11, địa phương ghi nhận 709 ca, cao nhất từ trước tới nay. Ngày hôm qua (26/11), Bộ Y tế công bố tỉnh này có 653 ca, nâng tổng số ca trong đợt dịch thứ 4 của Bà Rịa – Vũng Tàu vượt quá con số 10.000 ca.
Huyện Côn Đảo vốn được coi là khu vực "xanh" an toàn khi trong suốt đợt dịch thứ 4 không có ca dương tính nào, nhưng chỉ từ ngày 20/11 (phát hiện ca đầu tiên) đến nay, chỉ trong 7 ngày đã có 13 ca dương tính. Huyện Côn Đảo đã dừng bán hàng ăn uống phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang về bắt đầu từ 12h ngày 27/11.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh, nguồn lây chủ yếu từ bên ngoài vào địa phương. F0 đã xâm nhập, "ngấm" vào cộng đồng khiến số ca mắc liên tục tăng cao. Từ ngày 25/11, Bà Rịa - Vũng Tàu cách ly, điều trị F0 không triệu chứng hoặc nhẹ tại nhà; đồng thời lập các trạm y tế lưu động, tổ y tế đặc biệt hỗ trợ những địa bàn ca nhiễm cao như TP Vũng Tàu và thị xã Phú Mỹ.
Xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) đã thực hiện phong tỏa địa bàn để phòng chống dịch theo cấp độ 4 từ 0h ngày 23/11. Trong thời gian thực hiện phong tỏa, người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine qua 14 ngày hoặc F0 đã khỏi bệnh được đi đến các vùng khác nhưng phải có kết quả xét nghiệm âm tính còn giá trị trong vòng 72 giờ, tự theo dõi sức khỏe 7 ngày.
Người tiêm 1 mũi hoặc chưa tiêm vaccine không được di chuyển khỏi nơi cư trú, trừ trường hợp cấp thiết phải có xác nhận của UBND xã.
Số ca mắc tại Bình Phước cũng liên tục tăng, trung bình 232 ca mỗi ngày. 22/11 là ngày địa bàn ghi nhận số ca cao nhất từ trước đến nay với 384 ca. Hôm qua (26/11), Bình Phước ghi nhận 271 ca.
Sở Y tế phân tích cơ cấu ca nhiễm cho thấy không chỉ tập trung ở nhóm người về từ vùng dịch, tài xế và phụ xe, nhóm trong khu cách ly, điều trị, mà xuất hiện nhiều ca trong cộng đồng, khu phong tỏa, khu công nghiệp, khu dân cư.
Lý giải nguyên nhân tăng mạnh số ca nhiễm, lãnh đạo tỉnh Bình Phước cho rằng do tỉnh giáp ranh với Bình Dương, Đồng Nai và trên trục đường nối miền Đông với các tỉnh Tây Nguyên, việc đi lại giữa các vùng dịch với nhau là nguy cơ bùng phát dịch. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 của tỉnh còn thấp (đạt 69% tiêm đủ hai mũi người trên 18 tuổi trở lên).
Tỉnh Tây Ninh giáp ranh Bình Phước, Bình Dương và TP.HCM, ngày 27/11 ghi nhận 655 ca Covid-19, tổng số nhiễm lên hơn 22.000 ca. Trung bình 7 ngày qua, tỉnh mỗi ngày ghi nhận 525 ca.
Theo đại diện Sở Y tế Tây Ninh, ca nhiễm tăng nhanh ở các khu vực có đông dân cư đô thị, công nhân trong các khu công nghiệp do việc mở cửa, đi làm trở lại. Đồng thời, nhiều người chủ quan, lơ là phòng dịch, không tuân thủ 5K. Ngoài ra, so với các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, TP.HCM... thì tỷ lệ tiêm vaccine của tỉnh tương đối thấp, đến nay chỉ có hơn 70% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi.
Bình Dương và Đồng Nai vẫn luôn là địa phương có số ca mắc cao chỉ sau TP.HCM. Theo công bố của Bộ Y tế ngày 26/11, Bình Dương có thêm 707 ca mắc mới, Đồng Nai thêm 556 ca, nâng tổng số ca của Bình Dương lên 279.487 ca và Đồng Nai lên 85.064 ca.