Nhầm bọ xít với sâu ban miêu rất nguy hiểm
BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo món bọ xít nhiều người hay ăn, có thể rất dễ nhầm với loại sâu ban miêu (nhìn giống bọ xít). Đây là loài côn trùng cực độc, tiếp xúc hô hấp, qua da đều có thể gây ngộ độc. Nếu tiếp xúc qua đường tiêu hóa (ăn phải), bệnh nhân có thể chết vì một con sâu ban miêu.
BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Trung tâm từng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu vì đau bụng rát miệng họng, nôn ra máu, thiểu niệu suy thận do ăn bọ cánh màu vàng đen thường có ở cây ngô, cây đậu.
Đó là trường hợp hai chị em ruột ở Thanh Hóa khi bắt được bọ cánh ở cây ngô đã rang lên ăn, chỉ sau ăn khoảng 20 - 30 phút xuất hiện đau rát cổ họng, đau bụng, nôn mửa, nôn ra dịch máu, đại tiện phân lỏng.
Một trường hợp khác ở Hòa Bình, khi bắt được số lượng lớn bọ xít có vằn đỏ ở trên cây đã cùng bạn ăn nhậu. Chỉ sau 30 phút ăn loài bọ này, bệnh nhân thấy nóng rát vùng cổ buồn nôn và nôn, đi ngoài phân sệt, kèm theo đau cơ nhiều.
BS nguyên cho biết, qua khai thác người nhà bệnh nhân về hình dạng con bọ xít, cùng với các biểu hiện ngộ độc rất giống với ngộ độc độc tố của sâu ban miêu.
"Ngộ độc sâu ban miêu là ngộ độc gặp không nhiều nhưng rất nặng nề. Hầu hết bệnh nhân tiếp xúc qua đường tiêu hóa bị tổn thương đa tạng, suy đa tạng, tỉ lệ tử vong đến hơn 50%. Các bệnh nhân ngộ độc sâu ban miêu thường bị tổn thương đa cơ quan, tụt huyết áp, suy hô hấp. Xét nghiệm máu cho thấy trong máu bị nhiễm axit nặng, tổn thương cơ và suy thận, suy gan", BS Nguyên cảnh báo.
Độc tố của sâu ban miêu là cantharidin, rất độc, gây hủy hoại protein. Khi vào cơ thể, qua đường tiêu hóa sẽ gây tình trạng ngộ độc nặng nhất, gây tổn thương dạ dày ruột, đau bụng nôn mửa, chảy máu đường tiêu hóa, hoại tử ruột, tổn thương tất cả cơ quan cơ thể, thận, gan, máu.
Còn nếu tiếp xúc đường da (dùng tay bắt trực tiếp số lượng lớn), đường hô hấp (mở bao đựng sâu ra hít phải) cũng gây tình trạng dị ứng trầm trọng, nhất là những người da mỏng, có vị trí vết thương, tiếp xúc nhiều với sâu ban miêu; hơi độc khiến mắt cay, bỏng rát.
Độc tố của sâu ban miêu có thể tiết ra (giống kiến ba khoang), nếu tay cầm và dính vào mắt, dụi mắt sẽ gây bỏng rát, tổn thương giác mạc.
Sốc phản vệ sau khi ăn nhộng cọ
Mới đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ ngộ độc do ăn sâu cây cọ (con đuông cọ).
Bệnh đa khoa tỉnh Lào Cai cho biết, bệnh nhân P.T.D. 22 tuổi nhà ở xã vùng cao Hợp Thành, thành phố Lào Cai ( tỉnh Lào Cai) nhập viện trong tình trạng mẩn ngứa, khó thở, đau bụng, nôn.
Trước đó, bệnh nhân có ăn 3 con sâu cọ (đuông cọ) trong bữa tối. Qua thăm khám, xác định đây là trường hợp phản vệ độ II, nếu không xử lý kịp thời sẽ chuyển thành sốc phản vệ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ngay lập tức, bệnh nhân được cấp cứu phản vệ theo phác đồ. Sau 8 giờ, bệnh nhân hết mẩn ngứa, huyết động ổn định, khó thở nhẹ, có thể ra viện sau 1-2 ngày nằm viện điều trị.
Bác sĩ Phạm Văn Dương, Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai khuyến cáo sâu cọ (đuông cọ), nhộng tằm là món ăn được nhiều người ưa thích nhưng do thành phần chứa hàm lượng đạm cao nên nó cũng gây ra nhiều nguy cơ dị ứng, thậm chí sốc phản vệ với những người có cơ địa dị ứng.
Biểu hiện của dị ứng là nổi mề đay, phát ban, nôn, tiêu chảy, khó thở ngay sau khi ăn hoặc sau một vài giờ. Nặng hơn, có thể sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Do đó người dân khi ăn sâu cọ, nhộng tằm xuất hiện biểu hiện trên cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời, tránh để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Đi cấp cứu vì ăn trứng cá sấu hỏa tiễn
Trước đó, tại Hà Nội, 5 bà cháu sau khi ăn trứng cá sấu hỏa tiễn có dấu hiệu buồn nôn, đau bụng, đi ngoài... đã đến Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cấp cứu.
Được biết, bà H. cùng các cháu khi sang nhà người quen có trang trại nuôi cá ở Mê Linh, 5 bà cháu được chiêu đãi món thịt cá sấu hỏa tiễn. Con cá dài khoảng 150 cm và nặng tầm 20 kg. Đến chiều, gia đình mang theo trứng cá sấu về đánh trứng, ăn bữa tối. Sau khi ăn khoảng 90 phút, 4 trẻ và bà H bắt đầu xuất hiện nôn, đau bụng và đi ngoài…
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, với cá sấu hỏa tiễn, ăn thịt bình thường nhưng trứng và phần thịt quanh trứng chứa chất độc Ichthyotoxin. Đây là một chất gây độc trên hệ tiêu hóa (gây buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy), hệ thần kinh (đau đầu, vã mồ hôi, chóng mặt, ù tai, co giật) và tim mạch (loạn nhịp tim, tụt huyết áp). Trên thế giới mới có một số thông báo về bệnh nhân ngộ độc loại này.
Trên thực nghiệm các nhà khoa học cho chuột ăn trứng cá sấu hỏa tiễn thì chuột bị chết. Vì vậy, BS. Nguyên khuyến cáo người dân tuyệt đối không được ăn trứng cá sấu hỏa tiễn và các bộ phận xung quanh trứng cá.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, năm nào các địa phương cũng báo cáo các ca ngộ độc các loại côn trùng.
Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng là: buồn nôn, nôn, run tay chân, một số trường hợp nặng nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, tăng tiết, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lơ mơ, hôn mê, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân... và có thể tử vong. Biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng nhiều hay ít, nhẹ hay nặng tùy theo độc tố trong côn trùng, tổng lượng đã ăn vào và cơ địa người ăn (người già, có uống rượu, phụ nữ có thai, trẻ em... thường bị nặng).
Nguyên nhân các vụ ngộ độc trên là do sử dụng côn trùng đã chết sinh ra độc tố; côn trùng bị nhiễm nấm độc; côn trùng chứa nhựa cây độc như cây Cọc rào, cây Cỏ lào, thầu dầu tía… (chứa nhóm Alcaloit, nhóm Glucozit…) hoặc các chất tiết có độc tố không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến; côn trùng có nhiều protein lạ gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm để chế biến thức ăn.
Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo với những món ăn "độc lạ" cần cẩn trọng, không nghe kinh nghiệm "đồn thổi" để chế biến (ăn tái, ăn sống, ngâm rượu…) và sử dụng các món ăn chế biến từ côn trùng, ấu trùng… vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Người có cơ địa dị ứng càng phải thận trọng hơn với các món ăn này.