Ăn củ rừng, 7 người tại Lào Cai ngộ độc, phải nhập viện

PV Thứ hai, ngày 01/11/2021 15:41 PM (GMT+7)
Tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa cho biết, tại huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn củ rừng khiến 7 người phải nhập viện.
Bình luận 0

Theo đó, vào ngày 26, 27/10/2021, tại huyện Bảo Thắng (Lào Cai), xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại các hộ gia đình liên quan đến cùng một loại củ rừng làm 7 người mắc và nhập viện.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Bảo Thắng cho thấy, cả 3 gia đình ở xã Phong Hải, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng mua loại củ rừng tại chợ Cốc Lầu và thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai của huyện Bắc Hà về nấu canh xương. 

Đây là loại củ có kích thước lớn (khoảng 0,5kg), bên ngoài có nhiều lông trông giống củ từ, mọc hoang dại trên rừng nên người dân thường gọi là củ từ rừng. Khi ăn phải loại củ trên, các bệnh nhân thường có chung biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn kèm theo tê lưỡi và tê bì đầu ngón tay chân.

Ăn củ rừng, 7 người tại Lào Cai ngộ độc, phải nhập viện - Ảnh 1.

Ăn củ rừng, 7 người tại Lào Cai ngộ độc, phải nhập viện - Ảnh 2.

Loại củ rừng làm 7 người mắc và nhập viện. Ảnh Trung tâm Y tế huyện Bảo Thắng

Lào Cai là tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống với các tập tục và thói quen thu hái các loại củ, quả rừng về làm thức ăn. Do nhiều loại củ rừng có đặc điểm hình thái giống nhau nên người dân dễ nhầm lẫn giữa các loại củ ăn được và không ăn được và gây ra những vụ ngộ độc đáng tiếc như trên.

Như vậy, trong tháng 10, địa bàn tỉnh Lào Cai đã liên tiếp xảy ra hai vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khi ăn phải củ rừng, quả rừng có độc. 

Trước đó, ngày 5/10, tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận 8 trẻ (từ 9-13 tuổi; ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) bị ngộ độc do ăn quả hồng trâu.

Theo lời kể của các gia đình, trưa 2/10, trên đường từ trường về nhà, một nhóm khoảng 16 em học sinh thấy quả dại trên đồi chín nên hái ăn. Khoảng 3 giờ sau ăn, trẻ xuất hiện tình trạng nôn, lơ mơ, mệt mỏi, choáng váng kèm đau bụng dữ dội. 

Sau khi theo dõi, thấy tình trạng của trẻ ngày càng nặng, tầm 20h đến 22h cùng ngày, 9 gia đình đưa con đến Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn để cấp cứu và được chẩn đoán trẻ bị ngộ độc quả hồng trâu. 

Các bác sĩ tại Bệnh viện huyện đã nhanh chóng xử trí bằng gây nôn, truyền dịch, lợi tiểu, nhuận tràng cho 9 trẻ. Tuy nhiên, 1 trẻ đã tử vong do diễn biến bệnh nhanh, nặng và cấp tính. Đêm ngày 3/10, 8 trẻ còn lại được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Theo người dân, cây hồng trâu thường mọc ở khu vực núi đá, thuộc dạng cây dây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng. Lá cây to dài gần bằng hai ngón tay người lớn, lá có màu xanh đậm. 

Quả tròn to bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt không có lông. Quả non vỏ màu xanh nhạt, khi quả chín vỏ có màu tím và hơi mềm, bửa ra có lớp vỏ màu hồng. 

1 trẻ tử vong, 8 trẻ nguy kịch vì ngộ độc quả hồng trâu - Ảnh 3.

Hình ảnh quả hồng trâu gia đình bệnh nhi cung cấp. Ảnh BVCC

Mỗi quả có từ 4-6 hạt, các hạt có một lớp cùi màu trắng đục, nhiều nước, mềm bao bọc, bên trong cùi có một hạt to bằng hạt ngô có màu tím và hơi dẹt. Quả chín vào thời gian khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm.

Theo các chuyên gia y tế, quả hồng trâu có thành phần chính là Ankaloid, Axit Amin, Axit Cacboxylic, Flavonoid, Polyphenol… 

Độc tố chính của quả hồng trâu là Alkaloid, chứa chính trong nhân hạt. Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp dẫn tới suy hô hấp, trụy tim mạch. Một số hoạt chất khác có thể gây tổn thương các cơ quan khác như gan, thận…

Để phòng tránh các sự cố tương tự, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn các loại động, thực vật lạ, các loại củ, quả rừng mà chưa biết rõ; sau khi ăn nếu có biểu hiện không tốt về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem