Theo nhiều người dân trồng mít Thái có kinh nghiệm ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, vào mùa mưa, đa số các vườn mít Thái đều để trái, tuy nhiên, nếu không cách chăm sóc tốt, sẽ bị thiệt hại về năng suất.
Cụ thể, theo anh Trần Thành Được xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, vào mùa mưa độ ẩm trong đất tăng cao, ngoài hệ thống thoát nước tốt được làm từ khi mới lên vườn trồng mít, anh phải dọn cỏ trong vườn, chặt bớt nhánh mít nhỏ không cần thiết sao cho thật thông thoáng.
Anh Được cho rằng, cách làm này rất quan trọng vì hạn chế được tình trạng mít xơ đen (do nấm khuẩn trong đất ít có điều kiện phát triển gây hại), đồng thời giúp trái mít phát triển tốt và đẹp hơn (do đầy đủ ánh nắng chiếu vào).
Ngoài ra, theo anh Được, mùa mưa mít dễ bị nám da. Vì vậy, ngay từ khi trái còn nhỏ anh đã phải phun thuốc ngừa trước.
Hiện nay, phân bón hóa học tăng nhanh nên anh Được cho hay, trong quá trình dưỡng trái, thúc trái, anh hạn chế lượng bón phân hóa học trong một lần bón, thay vào đó là bón nhiều lần sẽ tránh hao hụt và đang chuyển dần sang phân hữu cơ.
"Ngoài giảm chi phí do giá phân bón hóa học tăng, bón phân hữu cơ còn giúp rễ mít Thái phát triển tốt hơn, cây được sống lâu hơn" - anh Được chia sẻ.
Các thương lái vào vườn cắt mít tại Tiền Giang báo giá mít Thái hôm nay 28/11 như sau: mít Nhất 13.000 đồng/kg, mít Nhì 6.000 đồng/kg, mít Kem lớn 6.000 đồng/kg.
Ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ, thương lái vào vườn mua mít với giá thấp hơn giá mít Tiền Giang 1.000 đồng/kg.
Riêng ở Sóc Trăng, thương lái vào vườn bất ngờ báo giá mít Thái hôm nay 28/11 tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua. Cụ thể, mít Nhất 12.000 đồng/kg, mít Nhì 5.000 đồng/kg, mít Kem lớn 5.000 đồng/kg.
Đối với mít Ba và mít Kem nhỏ ở ĐBSCL được mua tại vườn chỉ còn 2.000 đồng/kg, mít chợ 1.000 đồng/kg. Giá thu mua tại vựa sẽ cao hơn mức giá trên 2.000 đồng/kg.
Các vựa lớn cho hay, giá mít Thái có thể tăng nhẹ trở lại trong thời gian tới, thị trường ở một số nơi hút hàng trở lại.