Theo thông tin từ Sở Y tế TP.Hà Nội, tính từ giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, từ ngày 11/10 đến ngày 27/11, Hà Nội ghi nhận 5.353 ca mắc (trung bình 113,89 ca/ngày), trong đó 1.980 ca ngoài cộng đồng (36,98%), 2.621 ca tại khu cách ly (48,96%), 730 ca tại khu phong tỏa (13,63%), 22 ca nhập cảnh (0,43%).
Đáng chú ý, trong 2 tuần qua, mỗi ngày Hà Nội phát hiện hơn 200 F0, ngày ghi nhận F0 mới cao nhất là 15/11 với 289 ca nhiễm. Riêng hôm qua (27/11), tổng số ca mắc mới là 272 ca, trong đó 146 ca cộng đồng. Hiện tổng số F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn là 3.623 ca. Dịch tại Hà Nội đang ở cấp độ 2 (theo Nghị quyết 128 của Chính phủ).
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tối 26/11, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 25/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp, phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới (Công điện số 25).
Trong công điện, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu: Tăng cường rà soát, kiểm tra, tuyên truyền công tác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực có sự kiện tập trung đông người.
Khẩn trương hoàn thiện và đưa vào hoạt động các cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ theo mô hình Trạm Y tế lưu động.
Tiếp tục thực hiện điều tra, truy vết thần tốc; việc khoanh vùng, cách ly được thực hiện trên phạm vị hẹp nhất có thể. Thực hiện nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, mở cửa lại nền kinh tế có lộ trình và ở những nơi an toàn, có đủ điều kiện.
Tổng hợp, phân loại các trường hợp F1, F2, đánh giá phân tích các nguy cơ trong một số trường hợp theo đặc thù của những đô thị lớn...
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, nắm chắc tình hình người dân khi ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp. Triển khai lắp đặt các thiết bị quét mã QR tại nhà ga sân bay, bến tàu, bến xe, ga tàu điện trên cao, trung tâm thương mại, khu vực công cộng, các trạm kiểm soát...
Trước sự việc trên, nhiều ý kiến dư luận cho rằng, công điện mới này của Hà Nội yêu cầu hơi quá mức quy định so với Nghị định 128 của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Về việc này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội (CDC Hà Nội) nhận định, số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội thời gian qua tăng nhanh, song vẫn ở ngưỡng cấp độ 1 (nguy cơ thấp tương ứng với màu xanh theo Nghị quyết 128). Số người mắc Covid-19 cũng dàn trải ở khắp thành phố chứ không tập trung ở một điểm cụ thể nên đa số các phường, xã, thị trấn trên địa bàn Hà Nội vẫn là "vùng xanh".
Ông Tuấn cũng cho biết, hiện Hà Nội không có "vùng đỏ" - cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), chỉ có 2 xã, phường vừa công bố là "vùng vàng" - cấp độ 3 (nguy cơ cao). "Trước đây, số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 tập trung ở một số xã, phường nhưng hiện nay dàn đều. Hà Nội cũng không khoanh vùng, phong tỏa diện rộng như cũ nữa, trước đây cứ có ca bệnh là khoanh cả xã, cả quận, nhưng giờ khoanh gọn", ông Tuấn nói.
Nhắc đến Công điện số 25 của UBND TP.Hà Nội, Phó Giám đốc CDC Hà Nội khẳng định: "Công điện mới nhất của TP không cấm đoán, không đóng hay thắt chặt việc gì cả, thậm chí cũng không vi phạm Nghị định 128 mà chỉ tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP… Những việc đó trước đây Hà Nội vẫn thực hiện, công điện chỉ nhắc nhở lại để các đơn vị tránh sao nhãng…".
Nói thêm, ông Tuấn nhấn mạnh, hiện Hà Nội "đang sống chung với dịch" cho nên tinh thần là "dù đã tiêm vaccine nhưng vẫn phải coi trọng việc phòng, chống dịch Covid-19 như hạn chế tối đa việc đến nơi đông người mà không cần thiết… Hiện nay không còn cách nào khác là thực hiện 5K nên công điện mới của Hà Nội mới yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định, điều kiện phòng, chống dịch theo quy định của T.Ư và TP.
Đồng quan điểm khi đề cập đến vấn đề trên với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhìn nhận, Công điện số 25 của TP.Hà Nội không trái với Nghị định 128 của Chính phủ.
Ông Phu phân tích, thời gian qua, số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tăng rất nhanh, nhất là từ thời điểm TP thực hiện Nghị định 128 của Chính phủ đến nay là điều đã được lường trước. Bởi khi nới lỏng, có sự đi lại, tiếp xúc giữa người với người…, đáng chú ý những người đi từ vùng dịch về mà không chịu khai báo y tế, không cách ly cũng là nguyên nhân dẫn đến số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tăng nhanh.
Từ đó, việc TP.Hà Nội có công điện tăng cường các biện pháp, phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới là điều hợp lý. Theo ông, khi hoạt động kinh doanh, sản xuất, giải trí được tái lập để sớm trở về trạng thái bình thường mới, ý thức người dân sẽ là yếu tố then chốt trong phòng chống dịch thay vì các thiết chế quản lý, giám sát.
Bình luận thêm về công tác phòng chống dịch trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, PGS.TS Trần Đắc Phu băn khoăn về việc hiện nay Hà Nội vẫn bắt người dân (trường hợp là F0, F1) đi cách ly tập trung là hơi máy móc. "Hà Nội nên để những người nào đủ điều kiện thì cách ly ở nhà, không bắt họ đi cách ly tập trung nữa", ông Phu nói.
Đáng chú ý, vị chuyên gia này cho rằng, Hà Nội đang quá thận trọng trong việc để học sinh tới trường học. Ông nhấn mạnh, trong Nghị định 128 nêu rõ và hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định địa phương nào đủ điều kiện, đặc biệt là những vùng cấp độ 1, cấp độ 2 nên cho học sinh tới trường đi học trở lại, tuy nhiên Hà Nội vẫn còn dè dặt và khá thận trọng.
"Nếu không cho học sinh đi học trở lại thì các em sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sự phát triển thể chất cũng như tinh thần và kiến thức", ông Phu nói và nhấn mạnh: "Tôi cũng đã khuyến cáo Hà Nội và các tỉnh, thành về vấn đề này rằng nên sớm cho trẻ em đi học. Tuy nhiên, Hà Nội và các địa phương vẫn còn dè dặt".
Chốt lại, theo chuyên gia này, hiện Hà Nội đang thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, tuy nhiên, dù khống chế được dịch nhưng Hà Nội cần phải phải linh hoạt hơn để cho học sinh đi học và nên để người dân cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, thời gian qua, người dân từ các tỉnh, thành phố có dịch về Hà Nội chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe tại nhà, cách ly tại nhà. Thậm chí, còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều nên đã có những ca lây nhiễm thứ phát là một trong những lý do khiến dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội về cơ bản được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể xuất hiện nhiều chùm ca bệnh mới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định, diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đang thay đổi hằng ngày và rất phức tạp. Nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp, các ngành và người dân Thủ đô lúc này là phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống số ca F0 tăng cao.
Ông Dũng cảnh báo, tâm lý chủ quan của người dân Hà Nội ngày càng phổ biến. Trong đó, nhiều người dân chưa thực hiện nghiêm "5K"; nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, chợ dân sinh chưa chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch khi không yêu cầu khách quét mã QR, khai báo y tế; thậm chí có cơ sở hoạt động trái phép... Qua đó cho thấy, diễn biến dịch Covid-19 hiện nay tại Hà Nội có nguy cơ bùng phát mạnh.
Do đó, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện đồng bộ các giải pháp; trọng tâm là nâng cao ý thức tự giác phòng bệnh, thực hiện nghiêm "5K" của người dân.