Tại cảng cá Đông Tác (Tuy Hòa, Phú Yên), ngư dân Nguyễn Công Thành cho biết, tàu của gia đình đã thực hiện được 6 chuyến đánh bắt xa bờ trong năm nay.
Giá cá ngừ đại dương được mua tại bến hiện ở mức 110.000-120.000 đồng/kg. Đây là mức giá mua đại trà, có nhích hơn chút đỉnh so với đầu năm. Tuy nhiên, càng về cuối năm, thời tiết giông bão thất thường nên sản lượng cá ngừ đại dương giảm rõ rệt.
"Hiện tại, tàu nhà tôi cũng như nhiều gia đình khác đều "làm đủ thứ" chứ không chuyên câu cá ngừ đại dương. Nghĩa là mỗi tàu xa bờ phải kiêm thêm câu mực, cá ngừ sọc dưa, cá chuồn,… Bởi sản lượng đánh bắt cá ngừ đại dương không ổn định. Giá cả lại khá bấp bênh, nhiều chuyến biển không đủ tổn phí khi mọi nguyên liệu như dầu, đá lạnh, thực phẩm,… cho đều tăng cao. Nhân công đi biển hiện ngày càng hiếm", ông Thành nói.
Ông Thành hy vọng những chuyến biển dịp đầu năm mới, "ăn Tết trên biển" sẽ có bội thu. Vì theo kinh nghiệm nhiều năm qua, đây là giai đoạn biển bắt đầu êm thuận, cá ngừ đại dương đi nhiều từ vùng biển phía Bắc vào phía Nam.
Nếu khai thác đúng luồng cá lớn thì sẽ đạt hiệu quả cao. Các tàu câu cá ngừ đại dương đều có cơ hội đạt sản lượng, rút ngắn chuyến biển, tăng thu nhập.
Theo ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, Tuy Hòa (Phú Yên), mấu chốt khó khăn của ngành đánh bắt cá ngừ đại dương hiện tại là không thể nâng chất được giá trị sản phẩm.
Mỗi chuyến câu cá ngừ đại dương hiện đều năm trên biển ít nhất một tháng. Trong khi, ngư dân Phú Yên vẫn bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương theo lối "đập đầu, móc ruột, ướp đá".
Kiểu câu truyền thống, ướp lạnh thủ công trên chuyến biển dài ngày đã làm chất lượng sản phẩm cá ngừ đại dương giảm rõ rệt. Rất ít cá đạt chuẩn loại 1 để xuất khẩu.
"Thu nhập từ nghề câu cá ngừ đại dương chưa tương xứng công sức, đầu tư. Hầu hết chủ tàu muốn thay đổi cách khai thác, bảo quản sản phẩm nhưng không có điều kiện", ông Thuẫn cho hay.
Thống kê của Sở NNPTNT Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 655 tàu đạt chuẩn đánh bắt thủy sản vùng khơi (xa bờ), có chiều dài thân tàu từ 15m trở lên.
Từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương ước đạt 2.847 tấn; ước cả năm 2021 đạt gần 3.000 tấn, trị giá trên 300 tỷ đồng.
Hầu hết sản phẩm cá ngừ đại dương khai thác được, ngư dân đều bán cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản.
Ông Nguyễn Trọng Tùng - Giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên cho biết, thách thức lớn nhất cho hoạt động khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh hiện nay vẫn chủ yếu là tàu vỏ gỗ có chiều dài dưới 24m.
Bên cạnh đó, trang thiết bị bảo quản sản phẩm trên tàu cá còn thô sơ, thời gian của chuyến biển dài làm cho chất lượng sản phẩm khi về cảng thường bị giảm sút nhiều.
Phú Yên hiện vẫn chưa có chợ đấu giá cá ngừ đại dương nên giá cả, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, ngư dân bị thua thiệt nhiều.
Cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần tại các cảng cá chưa đáp ứng quy mô và chất lượng; luồng lạch được cải tạo thường xuyên nhưng độ sâu không ổn định, ảnh hưởng đến việc tàu cá xuất cảng về cảng vào thời điểm chính vụ.
Giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên cũng chỉ ra cách thức cải thiện, nâng cao chất ngành khai thác cá ngừ đại dương, góp phần tăng thu nhập cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Đó là phải tập trung tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới trong khai thác, xử lý, bảo quản cho đội tàu câu cá ngừ đại dương. Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cá ngừ đại dương; định mức kinh tế - kỹ thuật cho tàu, nghề khai thác, kỹ thuật bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, chế biến.
Tổ chức hoạt động của đội tàu tham gia đề án, phát triển sản xuất cá ngừ đại dương chất lượng cao; thu mua, xuất khẩu thông qua việc giám sát quá trình đánh bắt, xử lý, bảo quản và vận chuyển cá về cảng.
Nâng cao hiệu quả về phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong thu mua, kinh doanh sản phẩm cá ngừ đại dương.
Một thông tin đáng quan tâm là mới đây, UBND tỉnh Phú Yên đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Kiyomura (Nhật Bản) nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cá ngừ đại dương của tỉnh. Thỏa thuận hợp tác này là điều kiện để trao đổi các mô hình phát triển thủy sản, đặc biệt là tổ chức và phát triển sản phẩm cá ngừ đại dương. Ngư dân, doanh nghiệp và nhà quản lý sẽ chia sẻ thông tin về các vấn đề như khai thác kinh tế và công nghệ, quản trị và marketing sản phẩm thủy sản; đóng góp vào việc phát triển bền vững ngành công nghiệp thủy sản.
Tại Nam Trung bộ, tỉnh Bình Định cũng từng có chương trình hợp tác với Nhật Bản để nâng cấp ngành khai thác cá ngừ đại dương. Tuy nhiên, chương trình này hiện chưa có báo cáo đánh giá cụ thể.
"Khi triển khai lĩnh vực có liên quan theo thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Phú Yên với Tập đoàn Kiyomura, Sở NNPTNT sẽ tham khảo chương trình hợp tác nói trên của tỉnh Bình Định. Điều này nhằm tham mưu chính quyền Phú Yên để chương trình hợp tác phát triển thực chất, hiệu quả cho nghề khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh", ông Nguyễn Trọng Tùng nhấn mạnh.