Dân Việt

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Án mạng vì chuyện cùng yêu một cô gái; bất ngờ về đối tượng tấn công mạng Báo VOV

A.Đ (t/h) 28/11/2021 19:00 GMT+7
Án mạng vì chuyện cùng yêu một cô gái; thông tin bất ngờ về đối tượng tấn công mạng Báo điện tử VOV bị khởi tố ở Bình Định; cựu Phó Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Tài tiếp tục hầu tòa... là những tin nóng 24 giờ qua.

Án mạng vì chuyện cùng yêu một cô gái ở Bình Phước

Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 28/11, Công an tỉnh Bình Phước phối hợp với Công an TP.Đồng Xoài truy tìm Trịnh Công Quỳnh (41 tuổi, ngụ TP.Đồng Xoài) và nhóm gần 10 người có liên quan đến cái chết của một nam thanh niên.

Án mạng vì chuyện cùng yêu một cô gái - Ảnh 1.

Tang vật vụ án mạng vì chuyện cùng yêu một cô gái. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo thông tin ban đầu, Nguyễn Quốc Trường (28 tuổi, ngụ huyện Phú Riềng, Bình Phước) và Trịnh Công Quỳnh (41 tuổi, ngụ TP.Đồng Xoài, Bình Phước) cùng có quan hệ tình cảm với chị V.X.T (24 tuổi, ngụ phường Tân Xuân, TP.Đồng Xoài) nên giữa Trường và Quỳnh xảy ra mâu thuẫn.

Khoảng 21h ngày 26/11, Trường gọi điện hẹn Quỳnh ra khu đô thị Cát Tường Phú Hưng (thuộc Khu công nghiệp Đồng Xoài 3, xã Tiến Hưng, TP.Đồng Xoài) để nói chuyện.

Sau đó, Trường đã cùng với Đào Lê Duy Phong (24 tuổi, ngụ TP.Đồng Xoài) cùng đi xe máy đến gặp Quỳnh.

Một tiếng sau, nhóm của Quỳnh, gồm khoảng 10 người đi trên 2 xe ôtô, đến địa điểm gặp Trường. Tại đây, nhóm người trên xe ôtô cầm theo dao, mã tấu cùng với Quỳnh đuổi chém Trường và Phong. Phong bị chém vào vùng đầu, gục tại chỗ, còn Trường bị thương tích.

Sau đó, nhóm của Quỳnh bỏ đi còn Phong được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước, tuy nhiên đến chiều 27/11, nạn nhân đã tử vong.

Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ.

Thông tin bất ngờ về đối tượng tấn công mạng Báo điện tử VOV bị khởi tố ở Bình Định

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 28/11, Công an tỉnh Bình Định cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Vương Quốc Thịnh (23 tuổi, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, Bình Định) để điều tra về hành vi cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử theo Điều 287 Bộ luật Hình sự.

Thông tin bất ngờ về đối tượng tấn công mạng VOV bị khởi tố ở Bình Định - Ảnh 1.

Đối tượng Vương Quốc Thịnh. Ảnh: CA

Cụ thể, khoảng tháng 6/2021, Thịnh đã 88 lần tấn công 23 website, trong đó có Báo điện tử VOV thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Lãnh đạo UBND xã Cát Hanh (huyện Phù Cát) - nơi đối tượng Vương Quốc Thịnh đang ở cho biết, thường ngày Thịnh không có việc làm ổn định, ở nhà thường xuyên ngồi trong phòng, dùng máy vi tính.  

Theo xác minh, Vương Quốc Thịnh sau khi xem các buổi livestream của bà Phương Hằng thì gia nhập vào nhóm fan của bà này.

Trước đó, ngày 14/6, Báo điện tử VOV thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam bị tấn công mạng, làm tràn băng thông, khiến việc truy cập vào báo bị tê liệt.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với công an các địa phương có liên quan để điều tra, truy vết, làm rõ tính chất vụ việc, xác định đối tượng thực hiện.

Cựu Phó Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Tài tiếp tục hầu tòa

Sau hơn một tuần bị xét xử tại 1 vụ án khác, ngày mai (29/11), TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ mở phiên xử phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) và các đồng phạm trong vụ giao, cho thuê đất "vàng" 8 -12 Lê Duẩn trái pháp luật.

Phiên tòa được mở do có kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM và đơn kháng cáo của ông Nguyễn Thành Tài cùng 4 bị cáo gồm: Lê Thị Thanh Thúy (cựu Chủ tịch Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Lavenue), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), Nguyễn Hoài Nam (nguyên Bí thư Quận ủy quận 2) và Trương Văn Út (nguyên Phó trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM).

Trong đó, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Bị cáo Nguyễn Thành Tài và 3 bị cáo: Nam, Kiệt, Út kháng cáo xin cấp phúc thẩm xem xét lại mức án. Đồng thời, các bị cáo kháng cáo không chấp nhận liên đới cùng bị cáo Tài, bị cáo Thúy bồi thường hơn 4,7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thành Tài tiếp tục hầu tòa sau hơn một tuần xét xử - Ảnh 1.

Sau hơn một tuần hầu tòa ở TAND TP.HCM, ngày mai (29/11), dự kiến TAND Cấp cao TP.HCM sẽ mở phiên xử phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài và các đồng phạm trong vụ giao, cho thuê đất “vàng” 8-12 Lê Duẩn trái pháp luật. Ảnh: Quang Phương

Theo bản án sơ thẩm, khu nhà đất số 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) là tài sản Nhà nước do Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM quản lý. Lợi dụng chủ trương của UBND TP.HCM thu hồi "khu đất vàng" này để xây dựng khách sạn 5 sao và một phần trung tâm thương mại, bị cáo Nguyễn Thành Tài đã ký nhanh, ký nhiều các quyết định chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm tham gia góp vốn đầu tư dự án với tỉ lệ 30%, giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá. 

Sau đó, 4 doanh nghiệp của Bộ Công Thương đã góp 50% vốn tham gia dự án trước đó cũng bán đứt cổ phần cho Công ty Kido. Hậu quả, phần vốn Nhà nước trong dự án chỉ còn 20%, 80% còn lại rơi vào tay tư nhân.

Ngày 20/9/2020, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Tài 8 năm tù; bị cáo Lê Thị Thanh Thúy và bị cáo Đào Anh Kiệt cùng 5 năm tù; bị cáo Nguyễn Hoài Nam 4 năm tù; bị cáo Trương Văn Út 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Về thiệt hại cho Nhà nước, HĐXX sơ thẩm cho rằng việc thu hồi khu đất 8 - 12 Lê Duẩn trả lại cho Nhà nước xem như thiệt hại của vụ án cơ bản được khắc phục toàn bộ.

Tuy nhiên, sau bản án sơ thẩm, Viện KSND TP.HCM đã có kháng nghị cho rằng việc thu hồi 126/157 tỷ đồng là tiền vốn góp của Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM để trả về cho ngân sách Nhà nước là vẫn gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 30 tỷ đồng. Ngoài ra, theo Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM, thiệt hại cần được xác định tại thời điểm khởi tố vụ án là hơn 1.927 tỷ đồng theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, không phải là hơn 252 tỷ đồng, tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.

Vì sao Viện Kiểm sát kháng nghị có lợi cho các bị cáo vụ Nhật Cường?

Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 29/11, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thẩm, xét kháng cáo của 11 bị cáo trong vụ án Công ty Nhật Cường buôn lậu. Phiên tòa này dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 3 ngày, do thẩm phán Ngô Tự Học làm chủ tọa.

Phiên sơ thẩm có 14 bị cáo, sau bản án sơ thẩm có 11 người kháng cáo. Họ gồm: Nguyễn Bảo Ngọc - Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường, Trần Ngọc Ánh - Phó Tổng Giám đốc, Đỗ Quốc Huy - Giám đốc bán hàng, Nông Văn Lư - nhân viên, Hoàng Văn Phong - Trưởng ngành hàng Apple, Nguyễn Thị Bích Hằng - Kế toán trưởng, Lê Hoài Phương - nhân viên Công ty Nhật Cường tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Bảo Trung - quận Đống Đa (Hà Nội), Ngô Đức Tùng - quận Long Biên (Hà Nội), Phạm Văn Hiệp - quận Ngô Quyền (Hải Phòng), Ngô Tuấn Sửu - Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thanh Sơn.

Vì sao Viện Kiểm sát kháng nghị có lợi cho các bị cáo vụ Nhật Cường? - Ảnh 1.

11 bị cáo trong vụ án Công ty Nhật Cường buôn lậu kháng cáo, họ cho rằng mình chỉ làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì. Trong ảnh là Trần Ngọc Ánh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường, 1 trong 11 bị cáo kháng cáo. Ảnh: PH

Trong đơn kháng cáo của mình, 11 bị cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt, miễn trách nhiệm nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án.

Các bị cáo cho rằng mình chỉ là người làm thuê, không được hưởng lợi từ hoạt động buôn lậu của Công ty Nhật Cường.

Ở một diễn biến đáng chú ý, phía Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội cũng đã kháng nghị bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP.Hà Nội tuyên trước đó.

Kháng nghị thể hiện, tòa sơ thẩm đã không triệu tập người đại diện Công ty Nhật Cường tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thiếu sót.

Viện Kiểm sát cũng có kháng nghị liên quan đến số tiền 221 tỷ đồng thu lợi bất chính trong vụ án, kháng nghị này có lợi cho các bị cáo.

Vì sao Viện Kiểm sát kháng nghị có lợi cho các bị cáo vụ Nhật Cường? - Ảnh 2.

Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội cũng nhận thấy các bị cáo không được hưởng lợi, ăn chia từ số tiền thu lợi bất chính nên kháng nghị cấp phúc thẩm không buộc các bị cáo ở Công ty Nhật Cường phải liên đới bồi thường. Ảnh: PH

Theo đó, Viện Kiểm sát nêu rõ quá trình điều tra, kết quả xét hỏi tại phiên tòa xác định, toàn bộ khoản tiền 221 tỷ đồng thu lời bất chính từ hành vi buôn lậu được nhập vào Công ty Nhật Cường, theo dõi, hạch toán, quản lý trên phần mềm ERP của Công ty Nhật Cường do bị can Bùi Quang Huy - Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường - là chủ sở hữu toàn bộ công ty này. Hiện bị can Bùi Quang Huy đang bỏ trốn.

Triệt phá đường dây đánh bạc "khủng" hàng trăm tỷ đồng

Như Dân Việt đã thông tin: Công an tỉnh Sóc Trăng đang tạm giữ trên 10 người (cùng ngụ tỉnh Sóc Trăng) để điều tra về hành vi đánh bạc.

Đại tá Phan Văn Ứng - Phó giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng - cho biết, trong đêm 26 đến rạng sáng 27/11, lực lượng điều tra phối hợp với một đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tổ chức khám xét 16 điểm tại TP.Sóc Trăng. Nhiều tài liệu và chứng cứ liên quan đang được cơ quan điều tra thu giữ.

Theo ông Ứng, trong đường dây này có một nhánh của người phụ nữ tên Thái Thu Trang. Nghi can có vai trò đầu mối thu gom phơi đề của những người đánh bạc nhỏ lẻ để chuyển cho đại lý cấp trên.

“Ngoài số đề, đường dây này còn đánh bạc với nhiều hình thức trên mạng. Chúng tôi đang khôi phụ dữ liệu và số tiền liên quan lên đến hàng trăm tỷ đồng”, ông Ứng nói.

Vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ.