Là đơn vị tiên phong trong việc chuyển đổi tư duy canh tác cam truyền thống sang mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hiện HTX 3T nông sản Cao Phong (HTX 3T Farm) ở Hòa Bình có 25 xã viên với khoảng 40ha cam.
Chị Vũ Thị Lệ Thủy - Giám đốc HTX 3T Farm cho biết, năm 2018, chị mạnh dạn kêu gọi được 7 thành viên cùng đứng ra thành lập HTX, diện tích sản xuất là 12,5ha. Quá trình hoạt động, các thành viên HTX luôn thực hiện tốt quy trình canh tác an toàn và hình thành nhận thức về liên kết sản xuất sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm.
"Cam 3T là 3 tốt, trong đó có tốt giống, tốt đất và tốt từ tâm. Chỉ như vậy thì thương hiệu và sản phẩm cam Cao Phong mới ngày càng có thương hiệu, đứng vững trên thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt" - chị Thủy nói.
"Trong 4 đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều kênh bán hàng truyền thống bị ảnh hưởng ngừng hoạt động, HTX 3T Farm phải xoay xở đủ kiểu để tiêu thụ cam. Tuy nhiên, do các thành viên trong đơn vị tiếp cận kênh bán hàng online kém nên gần như sản phẩm không thể tiêu thụ được".
Chị Vũ Thị Lệ Thủy
Năm 2019 HTX 3T Farm đã tham gia ý tưởng tại cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức với chủ đề: "Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh".
Cũng thời điểm này, Dự án "Cam - Quà tặng cao cấp 3T Farm gắn với chuỗi sản xuất theo hướng hữu cơ vì môi trường sống xanh" của HTX cũng vinh dự là 1/35 dự án vượt qua hơn 740 dự án của cả nước tham gia và đoạt giải.
Sau khi hoàn thành cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo, HTX 3T Farm được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ 125 triệu đồng để phát triển sản xuất như: Mua phân bón, làm tem truy xuất nguồn gốc… Cũng với sản phẩm cam quà tặng này, 3T Farm đã tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019 và được công nhận sản phẩm 3 sao.
Dù mô hình sản xuất của đơn vị đoạt nhiều giải thưởng cao, sản phẩm cam làm ra đạt chất lượng tốt, có đầy đủ chứng nhận, truy xuất nguồn gốc nhưng Giám đốc HTX 3T Farm vẫn phải thừa nhận cam của đơn vị mình vẫn đang chật vật tìm đầu ra.
Nguyên nhân một phần cũng do các xã viên không biết cách tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử...
"HTX thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, cùng với sự hỗ trợ của nhiều đơn vị, cơ quan nhưng đến giờ bà con vẫn lúng túng, mù mờ trong việc sử dụng mạng xã hội để kết nối, quảng cáo, bán hàng. Thậm chí có người cao tuổi học xong lại quên ngay, giờ chưa tiếp cận được Facebook, Zalo..." - chị Thủy ngậm ngùi.
Già rồi không quen lên mạng: Nông dân cần chuyển đổi số dễ, cụ thể hơn
Khó tiếp cận kênh bán hàng online, nhiều hộ trong HTX 3T Farm lại quay về với phương thức giao dịch truyền thống thông qua các thương lái, chợ dân sinh... dẫn đến tình trạng sản phẩm bị đánh đồng, bị thương lái ép giá.
Chị Vũ Thị Lệ Thủy cho hay: Theo quy định của HTX, việc tiêu thụ sản phẩm phải theo kế hoạch và một đầu mối nhưng khi thị trường có biến động, giá cam tăng cao đột biến bà con lại lén lút bán hàng ra ngoài. Đến khi được mùa, gặp đại dịch giá giảm sâu, khó tiêu thụ, nông dân lại đổ lỗi cho HTX.
Theo chị Thủy, HTX vẫn đang tiếp tục kiên trì hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận với kênh bán hàng online, sàn thương mại điện tử nhưng vẫn đang thiếu đầu mối đào tạo, kinh phí tập huấn.
"Từ nay đến Tết Nguyên đán HTX 3T Farm sẽ có khoảng trên dưới 300 tấn cam VietGAP xuất vườn. Chúng tôi rất mong được các cơ quan trong tỉnh phối hợp với các sàn thương mại điện tử hỗ trợ đào tạo, tập huấn và kết nối tiêu thụ sản phẩm giúp bà con. Qua đó mở ra hướng đi bền vững cho đơn vị" - chị Thủy kiến nghị.
Bên cạnh đó, chị Thủy cũng đề nghị nhà nước hỗ trợ máy móc, trang thiết bị công nghệ chế biến hiện đại giúp HTX 3T Farm khép kín chuỗi từ trồng tới chế biến cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm có chất lượng cao. Qua đó giúp tăng thu nhập cho các xã viên để bà con yên tâm sản xuất cam đặc sản.
Cùng trong tình trạng với nhiều nông dân tại HTX 3T Farm, ông Phạm Văn Nam (hơn 60 tuổi), chủ trang trại lợn rừng ở Kim Bảng (Hà Nam) lâu nay vẫn quen với cách bán hàng qua thương lái.
Theo đó, mỗi khi có đàn lợn giống, lợn thương phẩm đủ tuổi xuất chuồng chủ trang trại này vẫn chờ các thương lái đến hỏi mua, trả giá mới có cơ hội bán. "Từ trước đến giờ, vợ chồng tôi quen rồi, lái họ đến nhà trả giá thấy hợp lý thì bán thôi" - ông Nam bộc bạch.