Nhằm tự gỡ khó trước tình hình phân bón ngày một tăng cao, thời gian qua, nhiều HTX, nông dân trên địa bàn tỉnh Long An đang chuyển dần sang các loại phân hữu cơ.
Theo nhiều nông dân, đây chính là sự lựa chọn phù hợp vào thời điểm này, nhằm kéo giảm chi phí đầu vào trước cơn sốt giá phân bón đang ngày một gia tăng.
Ông Bùi Văn Tuấn, Giám đốc HTX Cây Trôm (huyện Vĩnh Hưng) cho biết, từ nguồn nguyên liệu lục bình dồi dào ở địa phương, thời gian qua, HTX đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất được phân hữu cơ lục bình.
Nhờ có nguồn phân bón này đã giúp HTX tự chủ về nguồn phân bón hữu cơ. Đồng thời, kéo giảm được khoảng 30 - 40% chi phí sản xuất so với trước.
Anh Phan Thanh Hưng, thành viên HTX Cây Trôm bộc bạch, khi mới sử dụng anh hoài nghi về chất lượng phân hữu cơ từ cây lục bình. Thế nhưng, sau vụ sản xuất lúa hè thu vừa qua, cho thấy chi phí giảm rất nhiều, lợi nhuận cao hơn so với các loại phân bón khác.
Thay vì dùng phân hữu cơ để giảm đầu vào như HTX Cây Trôm, ông Trần Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (Xuân Lộc, Đồng Nai) lại yêu cầu các thành viên HTX chuyển đổi từ trồng giống lúa thường sang trồng các giống lúa đặc sản, như: ST24, ST25.
Đây đều là những giống đặc sản đang được thị trường ưa chuộng nên bán được với giá cao, cung không đủ cầu. Nhờ đó, lợi nhuận của nông dân cũng tăng khá nhiều.
Theo Phòng NNPTNT huyện Xuân Lộc, với nhiều cây trồng ngắn ngày khác, nông dân cũng ứng dụng giống mới để tăng lợi nhuận trước tình hình giá phân bón tăng cao.
Ví như mô hình sử dụng giống bắp mới thu hoạch cả cây làm thức ăn cho đại gia súc đang được nhân rộng tại địa phương vì thời gian thu hoạch ngắn hơn, lợi nhuận cao hơn.
Tương tự, tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai), ông Đường Minh Giang, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ An Viễn cho biết, nhiều vườn điều giống cũ năng suất thấp, nông dân trồng điều đang chuyển đổi giống mới để tăng năng suất.
Trong đó, giải pháp ghép cải tạo giống cho vườn điều già cỗi cho hiệu quả nổi bật nên nông dân trồng điều tại địa phương đều quan tâm thực hiện.
Huyện Trảng Bom vùng chuyên canh cây điều của tỉnh Đồng Nai với diện tích khoảng 1.000ha.
Nói về bài toán tăng lợi nhuận cho nông dân trồng lúa, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá phân bón tăng cao, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nhất là trong đầu tư cho khâu giống.
Nên ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, giống lúa có năng suất, chất lượng cao, giống lúa thơm có giá trị xuất khẩu cao.
Theo ông Tùng, vụ lúa hè - thu năm 2021, tỷ lệ sử dụng giống lúa thường làm giống chỉ còn khoảng 23% trên tổng diện tích ở khu vực phía Nam và ĐBSCL.
Cơ cấu giống lúa sản xuất từng mùa vụ đang có xu hướng chuyển dịch dần sang các giống lúa thơm, đặc sản, giống lúa chất lượng cao phù hợp với yêu cầu thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường châu Âu.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Cường, vụ đông xuân 2021 - 2022, toàn tỉnh sản xuất khoảng 223.000ha.
Thị trường phân bón "nóng" ngay từ đầu vụ khiến nông dân gặp không ít khó khăn. Trước tình hình này, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An Nguyễn Chí Thiện cho biết, Sở đã và đang cùng các địa phương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.
Các đơn vị chuyên môn cùng các huyện, thị xã, thành phố sẽ tăng cường hướng dẫn nông dân căn cứ vào tính chất của cây trồng, mùa vụ để sử dụng phân bón hiệu quả nhất theo nguyên tắc "5 đúng";
Khuyến khích nông dân sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ bón cho cây trồng nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất.
Theo ông Thiện, để giảm chi phí đầu vào do giá PB tăng, người dân nên áp dụng các quy trình canh tác, như: "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", "1 phải, 6 giảm",…
Ngoài ra, bà Châu Thị Lệ, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cũng cho biết, nhằm hỗ trợ nông dân trước việc giá phân bón tăng cao, cơ quan liên ngành tỉnh sẽ tiến hành thanh, kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, buôn bán phân bón trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, xử lý việc đầu cơ, tích trữ hàng hóa và hàng không bảo đảm chất lượng, hàng giả làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và năng suất cây trồng của nông dân.