Dân Việt

TP.HCM phát triển công nghiệp và dịch vụ ở xã nông thôn mới: Năng suất và thu nhập đều tăng

Trần Đáng 02/01/2022 11:20 GMT+7
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, khiến diện mạo vùng nông thôn TP.HCM thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, khoảng cách thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị càng hẹp dần.

Tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ

Báo cáo của Thành ủy TP.HCM cho thấy, sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thành phố đã có sự chuyển dịch nhanh về cơ cấu lao động từ nông, lâm, thủy sản sang các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Điển hình như huyện Cần Giờ, năm 2015 nông nghiệp chiếm 56,2%, công nghiệp và dịch vụ chiếm 43,8%. Đến năm 2020, nông nghiệp giảm còn 38,1%, công nghiệp và dịch vụ tăng lên 61,9%.

Theo UBND huyện Cần Giờ, để có kết quả này, hàng năm huyện Cần Giờ triển khai thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp và du lịch. 

Huyện đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Vận động nhà vườn tham gia phát triển mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất. Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp Sở Du lịch phát triển các sản phẩm, tuyến du lịch đường sông kết hợp ẩm thực...

TP.HCM phát triển công nghiệp và dịch vụ ở xã nông thôn mới: Năng suất và thu nhập đều tăng - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại HTX Bò sữa Đông Thạnh (Hóc Môn). Ảnh: Trần Đáng

Hiện TP.HCM không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, chuẩn nghèo được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm. Tại khu vực nông thôn, hộ nghèo có thu nhập bình quân từ 21 triệu đồng trở xuống chỉ còn 0,1%.

Đi cùng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công tác đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và dịch vụ cũng được đẩy mạnh, góp phần chuyển dịch lao động nông nghiệp tại khu vực nông thôn sang công nghiệp, dịch vụ. Giai đoạn 2009 - 2020, TP.HCM đào tạo nghề cho khoảng 89.800 lao động, trong đó hơn 54.600 lao động được đào tạo nghề công nghiệp, dịch vụ. 80% lao động sau học nghề đã có việc làm.

Nhờ đồng bộ cách làm, khiến năng suất lao động khu vực nông thôn TP.HCM được cải thiện đáng kể. Nếu năm 2008 đạt 33,8 triệu đồng/người thì đến năm 2021 ước đạt 95,1 triệu đồng/người. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm giai đoạn 2008 -2020 là 8,2%.

Khoảng cách thu nhập đã được thu hẹp

Bên cạnh phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, TP.HCM cũng tập trung nâng chất ngành nông nghiệp. Mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp, số hộ nông, lâm, ngư nghiệp của thành phố giảm dần qua từng năm (giảm 900ha/năm), nhưng GRDP ngành nông nghiệp vẫn tăng, nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, chuyển dịch sang các các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư sản xuất nông nghiệp… Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2008 - 2020 là 4,4%/năm.

Thực tế cho thấy, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp dần sang công nghiệp, dịch vụ đã giúp khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị thành phố ngày càng thu hẹp. Nếu năm 2008, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn TP.HCM bằng 55,5% khu vực thành thị, thì đến năm 2019 là 72,57%. Năm 2019, người dân nông thôn thành phố có thu nhập hơn 63 triệu đồng/người/năm, tăng 172% so với năm 2010.