Dân Việt

Hội Nông dân 10 tỉnh, thành phố miền Đông Nam bộ là điểm tựa cho hội viên, nông dân vượt qua đại dịch Covid-19

Nguyễn Vy 30/11/2021 20:33 GMT+7
Trong gian khó khăn, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố miền Đông Nam bộ đã phát huy được vai trò nòng cốt và trở thành điểm tựa vững chắc để hội viên, nông dân vượt qua đại dịch Covid-19...

Cụm thi đua số 6 Hội Nông dân Việt Nam với 10 tỉnh, thành phố miền Đông Nam bộ là nơi gánh chịu nhiều khó khăn, tổn thất trong đại dịch Covid-19 vừa qua.

Hội Nông dân trở thành điểm tựa vững chắc cho người dân

TP.HCM là 1 trong những tâm điểm của đại dịch Covid-19. Bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM kể, đã có gần 9.300 cán bộ, hội viên nông dân tình nguyện tham gia 1.366 tổ Covid-19 cộng đồng, 2.267 tổ tự quản để cùng giữ vững vùng xanh trên địa bàn thành phố.

Khắc phục khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, Hội Nông dân TP.HCM đã lập ngay nhóm zalo "Dư luận xã hội Covid-19" để hỗ trợ các cá nhân, đơn vị sản xuất làm thủ tục vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16.

Việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn TP.HCM trong thời gian cách xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn TP.HCM trong thời gian cách xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hội Nông dân TP.HCM đã thiết lập các kênh liên lạc để kết nối tiêu thụ hơn 3.240 tấn nông sản, với tổng giá trị hơn 115,3 tỷ đồng.

Các cấp Hội Nông dân cũng hưởng ứng tích cực Chương trình "Triệu phần quà, nghìn tấn nông sản nghĩa tình cùng cả nước vượt qua dịch bệnh Covid-19" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Đồng thời, triển khai Chương trình "Nghĩa tình nông dân TP.HCM" do Hội Nông dân TP.HCM tổ chức.

Tổng cộng, nguồn kinh phí các cấp Hội Nông dân TP.HCM đã chăm lo, hỗ trợ cho hội viên nông dân và người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh trong đợt dịch lần thứ 4 là 49,42 tỷ đồng.

Ông Ngô Văn Luận – Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM cho biết trong hơn 150 ngày gian khổ vừa qua, TP.HCM đã nhận được rất nhiều sự đồng hành giúp đỡ từ các địa phương, nhất là các tỉnh thuộc Cụm thi đua số 6 của Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam.

Ban Dân vận TP.HCM đánh giá cao những nỗ lực của Hội Nông dân TP.HCM kịp thời tham mưu, phối hợp cùng chính quyền thành phố phòng chống dịch bằng những cách làm hiệu quả, thiết thực.

Hội Nông dân TP.HCM thăm hỏi, động viên các cán bộ, hội viên nông dân gặp khó trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Trần Khánh

Hội Nông dân TP.HCM thăm hỏi, động viên các cán bộ, hội viên nông dân gặp khó trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Trần Khánh

Trong thời gian tham gia hỗ trợ phòng chống dịch, đã có hơn 2.267 cán bộ, hội viên nông dân bị nhiễm F0. Nhiều cán bộ trong số đó đã qua đời khi đang làm nhiệm vụ.

"Có những nỗ lực, có những khó khăn không nói hết thành lời. Hội Nông dân TP.HCM đã phát huy rất tốt vai trò của mình, cùng chính quyền thành phố hỗ trợ vượt qua khó khăn do đại dịch", ông Luận đánh giá.

Bà Đào Thị Lanh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước cho biết, trong những ngày căng thẳng chống dịch, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập ngay các Trung tâm hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Đây là hoạt động thiết thực để giúp bà con tiêu thụ nông sản cũng như góp sức vào phong trào hỗ trợ các tỉnh thành lân cận.

"Chính trong gian khó, nỗ lực hoạt động của cán bộ, hội viên đã phát huy hình ảnh tốt đẹp của Hội Nông dân trong lòng người; giúp nâng cao vai trò, vị thế công tác Hội Nông dân", bà Lanh nói.

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh Bình Phước hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân. Ảnh: Huyền Trang

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh Bình Phước hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân. Ảnh: Huyền Trang

Ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận chia sẻ, Hội Nông dân tỉnh đã đưa Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân của mình vào làm điểm cách ly tập trung, để hỗ trợ địa phương.

Tại TP.Phan Thiết, tình hình dịch bệnh phức tạp xung quanh các cảng cá. Ngoài việc lập chốt kiểm soát trên đường bộ; chính quyền phải tăng cường kiểm soát cả trên biển, trên sông.

"Đóng chân trên địa bàn TP.Phan Thiết, cán bộ Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận càng ý thức phối hợp cùng chính quyền địa phương, tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả", ông Hoàng chia sẻ.

Đạt và vượt nhiều chỉ tiêu thi đua

Tiền Giang là 1 trong 5 tỉnh thành phía Nam có nhiều ca nhiễm dịch. Và nông dân cũng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề.

Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang cho biết, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được tỉnh nâng lên thành chuyên đề thi đua cấp nhà nước. Chương trình đã thực hiện đến 8 năm, tác động tích cực đến nhận thức trong hội viên.

Hoạt động kết nối hỗ trợ tiêu thụ trái khóm cho bà con nông dân tỉnh Tiền Giang. Ảnh: L.O

Hoạt động kết nối hỗ trợ tiêu thụ trái khóm cho bà con nông dân tỉnh Tiền Giang. Ảnh: L.O

Một hoạt động nổi bật khác là Hội Nông dân tỉnh đã vận động, hỗ trợ cho 30.000 hộ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, với 45 tấn.

Ttrong số các chỉ tiêu mà Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giao, Hội Nông dân tỉnh cho biết, Tiền Giang không hoàn thành chỉ tiêu về Quỹ Hỗ trợ nông dân. Điều này có nguyên nhân khách quan.

Theo đó, chỉ tiêu giao định mức 4 tỷ đồng. Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang hoàn thành ở mức 3,858 tỷ.

Tuy nhiên, nguồn ngân sách tỉnh phân bổ (1,5 tỷ đồng) đã tạm hoãn để tập trung chi cho công tác phòng chống dịch.

"Con số 3,858 tỷ đồng là nỗ lực rất lớn của Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang trong việc vận động từ các nguồn xã hội hóa", bà Phượng nói.

Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận đến thăm và tổ chức kết nối hỗ trợ tiêu thụ nhãn xuồng cơm vàng cho bà con nông dân tỉnh. Ảnh: Cisty Bình Thuận

Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận đến thăm và tổ chức kết nối hỗ trợ tiêu thụ nhãn xuồng cơm vàng cho bà con nông dân tỉnh. Ảnh: Cisty Bình Thuận

Ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cho biết, việc hoàn thành chỉ tiêu Quỹ hỗ trợ nông dân là khó khăn của nhiều tỉnh thành, trong đó có Bình Thuận.

Về phía mình, ông Hoàng kiến nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cần quan tâm hơn đến khu vực Đông Nam bộ, cũng như các tỉnh thành thuộc Cụm thi đua số 6.

Trong đó có việc hỗ trợ các tỉnh cùng bắt tay xây dựng một gian hàng, một trung tâm kết nối cung cầu chung. "Từ đó, hỗ trợ kết nối sản xuất, tiêu thụ cho nông dân miền Đông Nam Bộ; và kết nối với trung tâm cung ứng, tiêu thụ của  Trung Ương Hội", ông Hoàng đề xuất.

Ông Nguyễn Xuân Định – Phó Chủ tịch Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Cụm thi đua số 6 đã phải gánh chịu rất nhiều khó khăn thời gian qua.

"Đã có 7/10 tỉnh thành đạt và vượt các chỉ tiêu mà Trung ương giao. Đó là kết quả rất đáng khích lệ", ông Định đánh giá.

Hội nghị giao ban trực tuyến công tác Hội và phong trào nông dân năm 2021 của Cụm thi đua số 6 tại điểm cầu TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hội nghị giao ban trực tuyến công tác Hội và phong trào nông dân năm 2021 của Cụm thi đua số 6 tại điểm cầu TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng Hội Nông dân các tỉnh thành đã đạt được rất nhiều kết quả nổi bật.

Trong đó, có việc làm tốt công tác tham mưu, xây dựng các đề án; và tham gia cùng chính quyền địa phương phòng chống dịch. Các cấp Hội Nông dân đã phối hợp tốt các ngành, các nhà khoa học tổ chức hỗ trợ hội viên; xây dựng nhiều mô hình hiệu quả giúp nông dân giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững.

Hội Nông dân các tỉnh cũng quan tâm kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng các chi tổ hội nghề nghiệp; phát triển hội viên với nhiều thành phần tham gia cũng như phát triển Đảng viên nông dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác Hội Nông dân và kết nối tiêu thụ nông sản.

Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Định đề nghị, thời gian tới, Hội Nông dân các tỉnh cần tiếp tục hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra trong năm 2022. Quan trọng nhất là các chương trình hành động đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 và Nghị quyết của Trung ương hội.

Hội Nông dân các tỉnh tiếp tục phối hợp tốt với các ngành, các doanh nghiệp, các nhà khoa học để triển khai các hoạt động Hội, như chương trịnh thực hiện an toàn thực phẩm, hoặc chương trình chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản chất lượng cao giai đoạn năm 2021-2025

"Hội Nông dân các tỉnh cần tiếp tục đổi mới công tác Hội, đặc biệt là làm tốt việc xây dựng cơ chế chính sách, giám sát phản biện xã hội; thực hiện tốt việc hỗ trợ nông dân; xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác theo chuỗi giá trị", Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Định đề nghị.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"