Các loại tiền điện tử như Bitcoin và Ethereum và các loại đồng khác đã rơi vào một vòng xoáy chịu sự cạnh tranh đột ngột, sau sự xuất hiện của biến thể COVID-19 mới Omicron có tốc độ lan truyền nhanh chóng. Cũng từ đó, một loại tiền điện tử tương đối mới có tên là Omicron đã chứng kiến một mức giá tăng đột biến.
Theo đó, tiền điện tử Omicron (OMIC) tăng giá và đạt đỉnh 688 USD mỗi đồng do có tên giống với biến chủng virus đang gây lo ngại toàn cầu. Thực ra, đồng Omicron vốn rất ít người biết và chỉ có khoảng 1.000 người theo dõi trên Twitter nhưng đã tăng từ 65 USD/ đồng trong ngày 27/11 lên chạm mốc cao nhất 688 USD/ đồng vào ngày 29/11, đánh dấu mức tăng tới 945 phần trăm về giá trị của nó trong ba ngày, do có tên giống với biến chủng virus đang gây lo ngại toàn cầu, trước khi giá trị sụt giảm tới 75%, trang theo dõi tiền điện tử CoinGecko cho biết trong một tuyên bố.
Omicron được mô tả là "giao thức tiền tệ phi tập trung được xây dựng trên nền tảng tiền điện tử lớp 2 (layer 2) Arbitrum của Ethereum", hiện có giá 371 USD mỗi đồng (tính đến ngày 30/11). Thực tế cho thấy, nó không có liên hệ gì với biến chủng nCoV được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên là Omicron hôm 26/11, trừ việc trùng tên. Đồng OMIC hiện chỉ có thể giao dịch trên sàn giao dịch phi tập trung SushiSwap.
Hiện chưa rõ đồng Omicron bắt đầu được triển khai từ bao giờ. Dữ liệu về giá của nó trên trang CoinGecko chỉ được công bố từ ngày 8/11. Hiện tại cũng chưa có cá nhân hay tổ chức nào đại diện cho đồng tiền Omicron lên tiếng.
Một số chuyên gia nhận định, đà tăng vọt của đồng OMIC là dấu hiệu cho thấy một "bong bóng khổng lồ" khác đang dần thành hình. Họ cũng cảnh báo rằng, các nhà đầu tư cần phải thận trọng trước khi đầu tư vào đồng Omicron này, vì có rất ít thông tin có sẵn về tiền điện tử này, mặc dù nó có tăng giá đột biến. Trên thực tế, cả CoinGecko cũng như sàn giao dịch Bitcoin và tiền điện tử Crypto.com đều không có đủ dữ liệu để cung cấp thông tin về loại đồng tiền ảo này.
Thậm chí, hiện vẫn chưa rõ dự án đồng Omicron có bất kỳ mục đích xấu nào như trường hợp của đồng 'SQUID' với chiêu thức "Rug Pull" hay không — khi hàng triệu đô la biến mất chỉ trong vài phút, sau khi các nhà đầu tư đổ xô vào một loại tiền điện tử mới lấy cảm hứng từ "Squid Game", tên một bộ phim phổ biến của Netflix, khi giá trị của nó giảm xuống gần bằng 0 trong vài giờ ngắn ngủi. Đây là minh chứng điển hình cho một hành động độc hại trong ngành công nghiệp tiền điện tử, nơi các nhà phát triển tiền điện tử từ bỏ dự án và chạy trốn với số tiền của các nhà đầu tư. Trong trường hợp của tiền điện tử Squid, người ta ước tính rằng những người sáng tạo ra nó đã biến mất với 3,3 triệu đô la tiền của giới đầu tư.
Nói rõ thêm về sự cố này, cụ thể vào đầu tháng 11, tiền điện tử này đã tăng 600% nhưng rồi đột ngột giảm 99,99%. Đồng Squid được thu hút bởi những người hâm mộ bộ phim truyền hình đã tăng từ 0,70 đô la Mỹ khi ra mắt vào ngày 21 tháng 10 lên mức cao nhất là 2,86 đô la Mỹ vào ngày 1 tháng 11.
Nhưng sau đó nó đã giảm xuống còn 0,003 đô la Mỹ vào ngày hôm sau. Các nhà giao dịch phát hiện ra rằng, họ không thể kiếm được lợi nhuận của mình và những người sáng tạo ra loại đồng này đã biến mất khỏi mạng xã hội.
Hiện tại, dù không ngụ ý rằng điều này cũng có thể xảy ra với đồng Omicron nhưng các nhà đầu tư chắc chắn nên thận trọng trong môi trường hiện tại, khi có quá nhiều sự không chắc chắn xung quanh các khoản đầu tư tiền điện tử mới nổi ăn theo trào lưu, sự kiện.
Có thể thấy, nhiều loại tiền số đã ra đời và tăng giá mạnh trong năm qua nhờ gắn với những sự kiện nổi bật trên thế giới, nhưng đi kèm sau đó là các đợt vỡ bong bóng khi sức hút của chúng mất dần đi theo thời gian, giai đoạn. Ngoài ra, giới tài chính quốc tế tuyên bố rằng, nhờ đồng Omicron mà thị trường tiền điện tử tăng trở lại trong khi thị trường chứng khoán thế giới đang lao dốc vì nỗi sợ hãi của biến thể Covid-19 Omicron thật.
Đáng chú ý, biến thể COVID-19 mới lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi vào ngày 23/11. WHO vào ngày 26/ 11 đã đặt tên biến thể này là Omicron và phân loại nó là 'biến thể đáng lo ngại' . Hiện tại, nhiều quốc gia báo cáo rằng có nguy cơ gia tăng lây nhiễm "rất cao" trên toàn cầu, mặc dù các nhà khoa học cho biết có thể mất nhiều tuần nữa để hiểu được mức độ nghiêm trọng của biến thể này.
Những rủi ro thực sự của biến thể Omicron vẫn chưa được hiểu rõ. Nhưng bằng chứng ban đầu cho thấy nó có nguy cơ tái nhiễm cao hơn so với các biến thể có khả năng lây truyền cao khác, WHO cho biết. Điều đó có nghĩa là những người đã từng dính Covid-19 và khỏi bệnh có nguy cơ mắc biến thể này rất cao. Còn hiện tại, có thể mất vài tuần để biết liệu các loại vắc-xin hiện tại có hiệu quả hơn để chống lại nó hay không.