Dân Việt

Chuyển tiền 2-3 ngày mới nhận được, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo kiểm tra ngay

Nguyễn Phương 01/12/2021 12:13 GMT+7
“Khẳng định không có chuyện người dân chuyển tiền 2-3 ngày mới nhận được tiền nên ý kiến của nông dân nêu ra tại Hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt" được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng chỉ đạo kiểm tra ngay lập tức.
Chuyển tiền 2-3 ngày mới nhận được, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo kiểm tra ngay - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt". Ảnh: DV

Phát biểu kết luận Hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước, Báo điện tử Dân Việt phối hợp tổ chức, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết: "Ông rất quan tâm ý kiến của nông dân về việc chuyển tiền 2-3 ngày mới nhận được. Bởi theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, điều này không thể xảy ra, ông phải chỉ đạo kiểm tra lại. "Hiện người dân chuyển tiền là nhận được ngay. Ai trong hội trường này chỉ cần chuyển tiền là nghe tiếng "ting ting" ngay lập tức. Chúng tôi sẽ làm rõ vì sao giao dịch chuyển tiền của nông dân lại chậm trễ thế, nông dân giao dịch ở ngân hàng nào?!", Phó thống đốc nói. 

Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, hiện hệ thống ngân hàng giao dịch chuyển tới khoảng 700 ngàn tỷ đồng trong một ngày. Các văn bản luôn có 1 điều về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thanh toán thẻ, thanh toán di động.

Tại hội thảo này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Ngành nông nghiệp, người nông dân vẫn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế và xã hội trong tiến trình phát triển đất nước ta hiện nay. Xu hướng chuyển đổi số, sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã mang lại nhiều tác động lớn tới cách thức chúng ta sống và làm việc, một trong số đó là sự chuyển dịch dần thói quen tiêu dùng sang môi trường số thuận tiện và an toàn hơn. 

Với việc sống chủ yếu ở các khu vực nông thôn, người nông dân phần nào chịu thiệt thòi trong việc biết đến, tiếp cận những sản phẩm, dịch vụ hiện đại, tiện lợi của ngành ngân hàng, trong đó thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những dịch vụ cơ bản, dễ sử dụng nhất, giúp người nông dân bước đầu làm quen với các dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho rằng, chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu tổng quát là mọi người dân, doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính với nhu cầu, chi phí hợp lý do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững. 

Chuyển tiền 2-3 ngày mới nhận được, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo kiểm tra ngay - Ảnh 2.

Chủ tọa buổi Hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt". Ảnh: DV

Chiến lược cũng đặt mục tiêu chú trọng phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, kênh phân phối hiện đại mới tới đối tượng người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Bên cạnh đó, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025 ban hành tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề ra mục tiêu: “Tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa”.

Các ý kiến tại hội thảo hôm nay đã phần nào nói lên những nỗ lực mà các cơ quan quản lý, đơn vị cung ứng dịch vụ đang thực hiện để đem đến cho người nông dân các phương thức giao dịch, thanh toán hiện đại và tiện lợi nhất. 

Phiên hỏi – đáp diễn ra sôi nổi, các câu hỏi của nông dân về thanh toán không dùng tiền mặt đã cho chúng ta thấy được những khúc mắc, lo ngại của người nông dân trong việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử. Những phản hồi từ phía cơ quan quản lý, các ngân hàng, công ty viễn thông phần nào đã giải đáp được cho người nông dân về các vấn đề liên quan. Đây cũng là nguồn thông tin, phản ánh hết sức quý báu từ phía người nông dân để các cơ quan chức năng cùng nhìn nhận một cách nghiêm túc về hiệu quả, những vấn đề còn thiếu sót từ khía cạnh khuôn khổ pháp lý cũng như từ phía các đơn vị cung ứng dịch vụ để cùng nhau hoàn thiện, hướng tới việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngày càng tốt hơn, tiện lợi hơn đến tay người dân.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt chú trọng đến những nơi có tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt cao và có hạn chế trong việc tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.... 

Chuyển tiền 2-3 ngày mới nhận được, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo kiểm tra ngay - Ảnh 3.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt". Ảnh: DV

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp như: Hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả Đề án thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới vào lĩnh vực thanh toán, hoạt động ngân hàng; tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng;...

"Với những kết quả đạt được tại Hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt”, tôi kỳ vọng các cơ quan quản lý, các tổ chức cung ứng dịch vụ cùng các đơn vị liên quan nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và tiếp thu những ý kiến đóng góp của người nông dân để có những định hướng, chiến lược phù hợp trong việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, thương mại điện tử tiện lợi, chi phí thấp tới khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo…"-Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nói.

Về phía đại diện người nông dân, mong muốn lớn nhất là nông dân thấy được những lợi ích hết sức to lớn của các dịch vụ ngân hàng, thương mại điện tử. Qua đó, mỗi người nông dân sẽ là một hạt nhân lan toả thông tin về những phương tiện giao dịch, thanh toán thông minh, tiện lợi này tới các hợp tác xã, đồng nghiệp cũng như người thân của mình để tất cả mọi người có thể được tiếp cận, sử dụng những thành tựu hiện đại nhất của cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng suất làm việc trong bối cảnh mới.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm, hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,6% về số lượng và 133,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Thanh toán qua kênh điện thoại di động (Mobile banking) tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị. Đặc biệt, thanh toán qua kênh QR code tăng 64,1% về số lượng và 127,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR code, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking, Mobile Money… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai, qua đó góp phần nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích lớn và thiết thực cho người sử dụng dịch vụ.

Ngân hàng Nhà nước đã cho phép triển khai thí điểm các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn với 3 mô hình ngân hàng hợp tác với các tập đoàn viễn thông, cửa hàng xăng dầu để cung ứng dịch vụ chuyển tiền nhanh tới người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng.