Ngày 1/12/2021, Công an thị xã Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) triệt phá thành công chuyên án, bắt giữ đối tượng Ninh Đắc Huân (Sn 1991, Hà Nội) về tội sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua việc lôi kéo người dân tham gia đầu tư tiền ảo.
Tại cơ quan công an, Ninh Đắc Huân khai nhận là người quản trị, điều hành sàn tiền ảo TCB TRADE. Mục đích của sàn này nhằm lôi kéo người dân tham gia đầu tư tiền ảo hứa hẹn mang lại lợi nhuận lớn.
Theo đó, đối tượng đã tổ chức nhiều sự kiện tại khách sạn, khu nghỉ dưỡng, quay phim chụp ảnh bất động sản, siêu xe đăng lên mạng xã hội để lấy lòng tin khách hàng.
Với phương thức, thủ đoạn trên, tính từ đầu tháng 11/2020, Huân đã chiếm đoạt tài sản của 5 nhà đầu tư tại thị xã Duy Tiên. Đồng thời khai thác dữ liệu từ các sàn giao dịch khác, đến nay đã có hàng ngàn nhà đầu tư bị lừa với tổng số tiền là hơn 55 tỷ đồng.
Ngoài ra đối tượng còn quản trị 8 sàn giao dịch điện tử khác.
Công an thị xã Duy Tiên đã ra quyết định khởi tố bị can và tạm giam đối với Ninh Đắc Huân về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Điều 290, Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản như sau:
`1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoánqua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;
đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
e) Gây thiệt hại từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
b) Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên;
c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.