Sáng qua 1/12/2021, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chỉ đạo Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức Hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt".
Tại Hội thảo, những vấn đề về các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt được nhiều đại diện nông dân đặt câu hỏi tới lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đại diện các ngân hàng thương mại, các nhà mạng di động và các chuyên gia kinh tế.
Một trong những vấn đề được bà con quan tâm nhất là những sản phẩm, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt tại nông thôn – nơi chiếm tới 60% dân số cả nước.
Mở đầu cho phần Đối thoại tại Hội thảo, nông dân Trần Văn Tường ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cho biết, thanh toán bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân khi giao dịch, mua bán. Vì vậy, để thay đổi thói quen này không chỉ cần thời gian mà còn cần có những chính sách nhằm khuyến khích người dân sử dụng.
Ông Tường nêu câu hỏi, "Xin hỏi Ngân hàng Nhà nước có chính sách nào để khuyến khích nông dân chúng tôi tham gia không? Vì chúng tôi chỉ là những người tiêu tiền lẻ và giá trị giao dịch cũng nhỏ mà phí cho mỗi giao dịch vẫn cao như hiện nay sẽ khó khuyến khích được đông đảo nông dân tham gia?
Cùng quan tâm đến vấn đề này, nông dân Trần Văn Tân ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) cũng bày tỏ ý kiến cho rằng, để thay đổi thói quen này thì các ngân hàng nên có những sản phẩm, chính sách khuyến khích để người dân ở quê tôi và các vùng quê khác sử dụng nhiều hơn dịch vụ ngân hàng cũng như thanh toán không dùng tiền mặt.
Nông dân Trịnh Văn Tiến (Ninh Bình) cũng đề nghị Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước có gói sản phẩm nào, khuyến khích nông dân sử dụng các công nghệ chuyển tiền.
Giải đáp vấn đề này, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó, Ngân hàng Nhà nước đặt nông dân, nông nghiệp, nông thôn là một trong những nội dung quan trọng trong các quyết sách.
Ngân hàng Nhà nước ban hành các quy định về việc mở tài khoản ngân hàng trực tuyến, thí điểm Mobile Money - thanh toán không dùng tiền mặt với giá trị nhỏ tới các vùng nông thôn, biên giới, hải đảo.
"Chúng tôi đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, trung tâm thanh toán tăng cường đưa dịch vụ đến đông đảo người dân tại các vùng nông thôn. Điều này thể hiện trên các hạ tầng gồm 300.000 máy POS, dịch vụ chấp nhận thẻ, trên 20.000 cây ATM, trên 100.000 điểm chấp nhận mã QR. Đây là những kênh thanh toán rất tốt cho người nông dân sử dụng", ông Dũng nhấn mạnh.
Riêng về vấn đề chi phí dịch vụ, ông Dũng thông tin: Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống giảm phí 50%, các ngân hàng, hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt giảm 70%. Lượng phí giảm cho khách hàng lên tới 1.000 tỷ đồng/năm trong các năm 2020 – 2021.
Cũng theo Vụ phó Vụ Thanh toán, chúng ta phải nhận thức là sử dụng tiền mặt phải có chi phí. Ví dụ như sử dụng tiền mặt giao dịch tại các chi nhánh ngân hàng sẽ có mất chi phí và có nhiều điều rủi ro, bất tiện. Ngược lại, nếu sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ có rất nhiều tiện ích, an toàn.
Với câu hỏi của anh Trần Văn Tân, từ góc độ của ngân hàng, ông Dương Trọng Chữ - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết, ngân hàng rất thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con khi xây dựng chính sách, cung cấp dịch vụ thiết thực cho thị trường nông thôn.
LienVietPostBank đã xây dựng và cung cấp sản phẩm dịch vụ, combo hoàn toàn miễn phí cho bà con nông dân, cho khách hàng. Khi bà con sử dụng đồng thời một tài khoản thanh toán, một ứng dụng Ngân hàng số của ngân hàng và thẻ ứng dụng sẽ được miễn phí toàn bộ dịch vụ từ mở tài khoản, phí chuyển tiền, rút tiền. Về dịch vụ này, bà con rất hài lòng.
Ngân hàng đã tiên phong trong đầu tư nền tảng, ngân hàng số cung cấp các phương tiện, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, bà con hoàn toàn có thể mở đăng ký tài khoản online và kết nối giao thương.
Ngoài ra, LienVietPostBank đã không ngừng tăng cường mở rộng mạng lưới phòng iao dịch về vùng sâu, vùng xa. Mọi quá trình chuyển đổi, phát triển cần có lộ trình làm sao cho bà con, cho khách hàng làm sao để có trải nghiệm đồng nhất. Hiện ngân hàng đã đầu tư được hơn 600 điểm giao dịch và không ngừng tăng cường hơn nữa.
Trong định hướng thời gian tới, LienVietPostBank sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, trong đó chú trọng về đầu tư nguồn nhân lực, để thực hiện kết nối với các công ty lớn, tổ chức lớn, về điện lực, y tế, giáo dục, viễn thông để tạo ra môi trường thanh toán số toàn diện để bà con có trải nghiệm đơn giản và tiện ích.
"LienVietPostBank sẽ tuyên truyền hướng dẫn sử dụng cho bà con làm thế nào để đơn giản hóa, bà con sử dụng tiện ích nhất. Chúng tôi sẽ không ngừng nâng cấp đầu tư giao diện, cách thức đăng ký làm sao đơn giản, thuận tiện để bà con vượt qua trở ngại khi tiếp cận sử dụng dịch vụ tài chính. Cố gắng từng bước nhanh chóng tham gia quá trình thúc đẩy kinh tế và giao dịch cho bà con. Sẽ đầu tư mạnh hơn nữa, duy trì chính sách về phí cho những năm tiếp theo để bà con yên tâm sử dụng dịch vụ ngân hàng số", ông Chữ khẳng định.
Ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chia sẻ, trước đây nhà băng này chỉ triển khai sản phẩm truyền thống huy động vốn và cho vay tổ nhóm và tới đây, qua hội thảo hôm nay, chúng tôi cũng đã xây dựng Đề án để triển khai để phát triển công tác truyền thông, lan tỏa thông điệp không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ về phát hành.
Hiện nay Ngân hàng Nông nghiệp đang tiến hành phát hành các thẻ liên quan đến dịch vụ thanh toán khu vực nông thôn là thẻ ghi nợ và thẻ thanh toán. Tới đây, dự kiến sẽ để hạn mức từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng để phát hành thẻ thấu chi cho 30 triệu người dân và các doanh nghiệp ở nông thôn. Thông qua thu chi hộ về điện nước, học phí, y tế… dự kiến thời gian tới sẽ có hệ sinh thái trên app điện thoại. Hiện Agrbank cũng đang thực hiện miễn phí mở thẻ và các phí rút và duy trì thẻ cho bà con ở nông thôn.
"Quan trọng hơn, cần phải đồng bộ từ chính sách tới hạ tầng cơ sở để phương thức thanh toán hiện đại có điều kiện sử dụng một cách rộng rãi hơn ở khu vực nông thôn. "Ví như để thanh toán không dùng tiền mặt được sử dụng rộng rãi ở khu vực nông thôn, bên cạnh nỗ lực của ngành ngân hàng, Bộ Công Thương cũng cần phải vào cuộc với những chính sách khuyến khích các sàn thương mại điện tử về khu vực nông thôn, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như người dân có nơi mua bán, thanh toán bằng phương thức hiện đại. Hay như Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần có chính sách về dịch vụ viễn thông đối với vùng nông thôn, miền núi, vùng xa, khuyến khích người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa tiếp cận và sử dụng các dịch vụ viễn thông, như Internet, dịch vụ 3G, 4G...",
Phó Chủ tịch Hội Nông dân, ông Phạm Tiến Nam