Đầu tháng 11, các kỹ thuật viên tại Phòng thí nghiệm Lancet ở Pretoria, Nam Phi, đã phát hiện các dấu hiệu lạ trong các mẫu virus mà họ đang kiểm tra. Trong lúc đó ở tỉnh Gauteng, các ca nhiễm mới bùng phát mạnh chỉ trong vòng 3 tuần.
Các xét nghiệm PCR không phát hiện ra sự bất thường của bộ gene, khi một mã gene bị thiếu trong cấu hình bộ gene bình thường của virus. Điều này cho thấy có gì đó trong virus đã thay đổi. Đó là sự xuất hiện của biến chủng mới.
Cho đến giờ này, biến chủng Omicron vẫn chưa xác định được nguồn gốc. "Bệnh nhân số 0" vẫn là một ẩn số.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, John Nkengasong, nói rằng: "Chúng tôi không thể tìm ra dấu vết".
Các ca bệnh đầu tiên nhiễm Omicron được công bố và xác định ở Botswana, sau đó là ở Nam Phi. Tuy nhiên, ông Nkengasong cho rằng: "Nơi ca bệnh đầu tiên được phát hiện không có nghĩa virus đến từ đó", theo CNN.
Michael Head, nghiên cứu viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton, nhận định: “Đây có thể là hậu quả của một đợt bùng phát, từ một số vùng châu Phi Hạ Sahara, nơi hoạt động giám sát bộ gene còn hạn chế và tỷ lệ tiêm chủng thấp".
Cố gắng truy tìm nguồn gốc của Omicron là vô ích nếu nó đã xuất hiện âm thầm từ lâu.
Chuyên gia Trevor Bedford từ Khoa Dịch tễ học tại Đại học Washington, dựa trên phân tích bộ gene của ca bệnh từ Botswana và Nam Phi, đã cho rằng biến chủng Omicron có thể xuất hiện sớm hơn nhiều so với thời điểm báo cáo, có thể là vào đầu tháng 10.
Kristian G. Andersen, nhà virus học tại Phòng thí nghiệm Andersen ở California, cũng có quan điểm tương tự. Bà chia sẻ: "Chúng tôi ước tính điều đó dựa trên sự đa dạng trong các bộ gene mẫu và hầu hết đều xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10".
Tải lượng virus trong nước thải ở Pretoria, Nam Phi được phát hiện tăng mạnh vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11.
Trong khi đó, bà Michelle Groome, từ Viện các bệnh Truyền nhiễm của Nam Phi cho biết: "Việc giám sát nước thải đã cảnh báo chúng tôi khá sớm về các trường hợp này ở quận Pretoria".
Trên thực tế, các nhà virus học thừa nhận rằng họ vẫn xử lý những thông tin rất sơ bộ về sự tiến hóa và đặc điểm của biến chủng Omicron.
Sự gia tăng các ca nhiễm vào đầu tháng 11 đã tạo tiền đề cho các trường hợp được ghi nhận ở nhiều nơi khác. Tính đến cuối tháng 11, hầu hết ca nhiễm đều liên quan đến những người đi qua hoặc từ Nam Phi, Mozambique, Malawi, Botswana và Namibia.
Vào ngày 11/11, bốn người nước ngoài rời Botswana được xét nghiệm dương tính với virus Covd-19, mà sau đó họ được xác định là nhiễm biến chủng Omicron.
Cũng trong ngày 11/11, một người đàn ông 36 tuổi ở Hong Kong trở về hòn đảo sau chuyến đi kéo dài 20 ngày tới Nam Phi, đi qua Qatar. Hai ngày sau, khi bị cách ly, ông có kết quả dương tính. Giải trình tự gene đã phát hiện biến chủng Omicron.
Một số người trở về châu Âu đã lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình của họ, ở Đức và Italy.
Khoảng 90% trường hợp nhiễm biến chủng Omicron được ghi nhận ở châu Âu đều liên quan đến những người đã đi qua hoặc từ miền nam châu Phi.
Tuy nhiên, việc giải trình tự bộ gene ở nhiều nước còn khá hạn chế. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ các xét nghiệm Covid-19 là phải giải trình tự và tốn nhiều thời gian hơn việc kiểm tra thông thường.
Trong khi hầu hết ca nhiễm từ Nam Phi đều mắc biến chủng mới, thì vẫn có những trường hợp chưa giải thích được.
Gần nhất phải kể đến trường hợp nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ hôm 2/12. Người đàn ông 46 tuổi ở Karnataka đã xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 cách đây một tuần và vừa được xác nhận nhiễm biến chủng Omicron nhưng không hề có lịch sử đi du lịch.
Năm người tiếp xúc gần với người này cũng có xét nghiệm dương tính và đã được cách ly, mẫu xét nghiệm của họ đang được giải trình tự gene để xác định có phải biến chủng Omicron hay không.
Trong khi đó, một người phụ nữ Bỉ đến Ai Cập, đi qua Thổ Nhĩ Kỳ và về nước ngày 11/11, đã có kết quả dương tính với biến chủng Omicron 10 ngày sau đó.
Một số trường hợp được ghi nhận ở Canada có liên quan đến người đến từ Nigeria. Ca nhiễm tại Saudi Arabia hôm 1/12 được xác định là một người bay từ phía bắc châu Phi. Một bác sĩ người Israel trở về nhà sau một hội thảo ở London, dù không đến Nam Phi, cũng cho kết quả dương tính với biến chủng Omicron. Một người đồng nghiệp tiếp xúc gần với bác sĩ này cũng đã được xác nhận nhiễm biến chủng mới.
Tính đến ngày 30/11, cả 9 trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo ở Scotland đều không đi nước ngoài và đã tham dự cùng một sự kiện vào ngày 20/11.
Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon nói rằng: "Việc không có lịch sử du lịch hoặc có mối liên hệ với nước ngoài cho thấy rằng Scotland đang có một ổ biến chủng Omicron".
Tuy châu Âu mới xác nhận phát hiện những ca nhiễm biến chủng mới gần đây, nhưng Omicron đã tồn tại ở lục địa này từ tháng 11. Tại Hà Lan, Viện Y tế RIVM thông báo phát hiện biến chủng Omicron trong các mẫu xét nghiệm của ngày 19 và 23/11.
Biến chủng mới vẫn còn nhiều điều để nghiên cứu, từ tốc độ lay lan nhanh chóng, khả năng lẩn trốn hoặc làm mất tác dụng của vaccine cho tới việc liệu những người bị nhiễm có triệu chứng nhẹ hay nặng.
Hiện tại, Delta vẫn là biến chủng chi phối, chiếm 99,8% trình tự mã gene toàn cầu, theo cơ sở dữ liệu của GISAID.
Nam Phi, nơi biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu tiên, đang tăng mạnh số trường hợp mắc mới ở nhiều tỉnh, trùng với việc phát hiện ra biến chủng mới.
Trong hai tuần qua, Nam Phi đã tăng số ca nhiễm từ mức trung bình hàng tuần là 290 ca/ngày lên gần 3.800 ca/ngày. Hôm 2/12, báo cáo ghi nhận được 8.561 ca mới trên toàn quốc. Giới chức cho biết 3/4 các ca dương tính ở tỉnh Gauteng là nhiễm biến chủng Omicron.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng: "Chúng ta vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra về tác động của Omicron đối với sự lây truyền, mức độ nghiêm trọng của bệnh, và hiệu quả của các xét nghiệm, điều trị và vaccine".