Ông Nguyễn Viết Thể - Giám đốc HTX Kinh doanh, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp Thành Đạt (thị trấn Khe Sanh) cho biết, 5 hộ được hỗ trợ triển khai dự án nuôi cá lóc là thành viên của HTX. HTX được thành lập năm 2002, hiện có 17 thành viên.
Chuyển đổi nhận thức
Đầu tháng 12/2021, những hộ dân triển khai mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật nuôi cá lóc do Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững thuộc T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (gọi là Trung tâm) hỗ trợ đang tất bật làm quen cho thuần thục kỹ thuật nuôi.
Trong dự án này, Trung tâm hỗ trợ 100.100 con giống cho 5 hộ dân tham gia, cùng chế phẩm xử lý ao hồ, 600kg thức ăn ban đầu, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật nuôi.
"Tôi hy vọng mô hình này thành công và được hỗ trợ nhân rộng, để có thể một ngày nào đó sẽ có thương hiệu cá lóc Trường Sơn xuất phát từ mô hình của Hội Nông dân".
Ông Lê Quang Thuận -
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa
Cuối tháng 11 vừa qua, đích thân ông Trần Văn Bến - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Trị dẫn đầu đoàn cán bộ hội trực tiếp đến các hộ tham gia dự án để trao cá giống và thả cá cùng bà con nông dân trong niềm hân hoan, kỳ vọng.
Mục tiêu của dự án này là xây dựng nhóm hộ nông dân liên kết phát triển nuôi thủy sản áp dụng khoa học kỹ thuật.
Từ dự án sẽ góp phần chuyển đổi nhận thức của hội viên nông dân từ phương pháp nuôi theo tập tục, quán tính sang nuôi theo phương thức khoa học, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường.
Trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong nuôi thủy sản đảm bảo chất lượng theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho hội viên nông dân và nhân rộng mô hình trên địa bàn.
Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững đã hỗ trợ 100.100 con cá lóc đầu nhím cỡ ≥100 con/kg theo tiêu chuẩn quốc gia về cá nước ngọt (yêu cầu kỹ thuật khắt khe, cá phải khỏe mạnh, không bị bệnh, nấm), chế phẩm sinh học bổ sung (Biowish), chế phẩm xử lý nước (Biowish).
Dự kiến việc xây dựng mô hình nuôi cá lóc thành công sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạ giá thành sản phẩm thấp hơn so với nuôi ao theo truyền thống, nên dễ tiêu thụ, giúp địa phương chuyển dịch cơ cấu vật nuôi cây trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Đối với nuôi cá lóc trong ao hồ lớn, các hộ nông dân tổ chức xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp tiến tới xây dựng tổ hợp tác, HTX, liên doanh liên kết trong sản xuất hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm.
Nuôi cá lóc sử dụng thức ăn được chế biến sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh trong nuôi trồng và người lao động, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm được công lao động. Sản phẩm của mô hình là sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người dân, góp phần bảo vệ nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.
Tận tình hỗ trợ nông dân
Để đạt được hiệu quả như mong muốn, Hội ND tỉnh Quảng Trị, cán bộ Trung tâm đã tận tình hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân triển khai mô hình.
Sau quá trình ương, cá được thả xuống ao đất trong diện tích từ 100 - 1.000m2. Bờ ao cao, đảm bảo cá nuôi trong mùa lũ không bị thất thoát. Trước khi thả cá giống, các hộ nuôi đã tát cạn ao, diệt tạp và cá dữ, bón vôi với liều lượng 10 - 15kg/100m2 để khử phèn và diệt các mầm bệnh.
Phơi ao 2 - 3 ngày sau đó cấp nước vào ao đạt độ sâu 1,5 - 2m rồi mới tiến hành thả cá. Vì cá lóc là loài cá dữ chuyên bắt mồi sống nên giai đoạn nuôi thịt không cần bón phân gây màu nước.
Theo ông Bến, điều quan trọng và rất mới mà những nông dân tham gia mô hình được hướng dẫn, là khi cho nước vào ao nuôi xong thì phải xử lý nước bằng chế phẩm Biowish theo hướng dẫn của nhà sản xuất, sau 3 - 4 ngày mới thả cá vào nuôi. Định kỳ 1 tháng xử lý ao 1 lần.
Đối với cá lóc, có thể nuôi quanh năm nếu chủ động được nguồn thức ăn. Tuy nhiên, cán bộ dự án phân tích, nên bắt đầu nuôi từ tháng 4 - 5 âm lịch và thu hoạch vào tháng 8 - 9 là do thời điểm này nhiệt độ dịu mát, có nguồn thức ăn dồi dào, cá lớn nhanh nhờ nguồn thức ăn rẻ và dễ tìm.
Hoặc nuôi từ tháng 8 - 9, thu hoạch vào tháng 12 và tháng Giêng, vì giai đoạn này có nhiều nguồn thức ăn từ nguồn phụ phẩm thủy sản tự nhiên. Không nên nuôi từ tháng Giêng đến tháng 7 vì thời gian này cá chậm lớn, thức ăn cho cá hiếm và đắt, người nuôi không có lãi.
Ông Trần Văn Bến cho biết, vì trở ngại điều kiện dịch bệnh nên mô hình được triển khai ở thị trấn Khe Sanh bị chậm hơn so với kế hoạch. Tuy nhiên, đến nay việc chăm sóc của nông dân khá tốt, tỷ lệ cá chết chỉ 0,1%.
Anh Đinh Trường Hưng - một trong 5 hộ thực hiện mô hình nuôi cá lóc cho hay, các hộ được cán bộ dự án phổ biến, cầm tay chỉ kỹ thuật tận tình nên rất yên tâm, tin tưởng sẽ có vụ cá thắng lợi vào khoảng tháng 7 năm sau.
Nếu mô hình thành công sẽ là động lực rất lớn cho nông dân thị trấn Khe Sanh nói riêng, nông dân tỉnh Quảng Trị nói chung nhân rộng, nuôi với diện tích lớn, hình thành vùng nguyên liệu để dễ liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm hơn hình thức nuôi nhỏ lẻ.
Theo ông Nguyễn Viết Thể, lâu nay nhiều thành viên HTX còn lo ngại vì chưa có kinh nghiệm, thiếu kiến thức nên dù rất muốn nuôi cá lóc nhưng không dám.
Nay Hội ND hỗ trợ, thực hiện dự án, bước đầu cho thấy 5 hộ thả nuôi cá lóc có kết quả tốt. Hy vọng mô hình sẽ thành công, giúp các thành viên HTX có động lực, đủ tự tin để đầu tư nhân rộng, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Lê Quang Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, nhận được sự giúp đỡ của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là dự án nuôi cá lóc lần này, chính quyền và nhân dân huyện rất phấn khởi.
Huyện đã chỉ đạo chính quyền phối hợp cán bộ hội nông dân các cấp bám địa bàn, tích cực hỗ trợ nông dân, với mong mỏi thực hiện thành công mô hình rất triển vọng và tâm huyết này.