Số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 11/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 59,7 tỷ USD, tăng 8,5% so với tháng trước. Tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 29,8 tỷ USD, tăng 14%.
Với kết quả ước tính trên thì trong 11 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt 599,11 tỷ USD, tăng mạnh 22,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5%.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tháng 11/2021 ước tính thặng dư 100 triệu USD, nâng mức thặng dư trong 11 tháng năm 2021 lên 225 triệu USD.
Nhận định về những con số trên, chuyên gia Kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng trong tình hình nền kinh tế Việt Nam và thế giới gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu là một điểm sáng trong sự phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong 11 tháng qua.
"Xuất khẩu trong một điều kiện khó khăn như chi phí vận chuyển logistic, chi phí container tăng... Các chuỗi cung ứng ở nội địa trong hàng xuất khẩu bị đứt gãy, nhu cầu nhập khẩu của các nước cũng có nhiều thay đổi về số lượng và mặt hàng. Xuất khẩu Việt Nam còn gặp phải những rào cản khác như phi thuế quan, phi truyền thống, xuất khẩu phải chấp nhận cạnh tranh với các nước có mặt hàng tương tự như Việt Nam, đặc biệt là các nước ở Đông Nam Á", chuyên gia Vũ Vinh Phú phân tích.
Lý giải nguyên nhân của việc kim ngạch xuất khẩu đạt kết quả tích cực chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho hay, các FTA chính là "cú hích" mạnh mẽ. Qua đó, đưa Việt Nam trở thành một cường quốc xuất khẩu, trung tâm sản xuất không chỉ của khu vực, mà của cả thế giới.
Cũng theo nhận định từ phía ông Ánh, với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục, Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm nay sẽ đạt gần 330 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa có thể giữ ở mức xuất siêu nhẹ.
Đồng tình quan điểm trên, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận định, Việt Nam đến nay đã ký và đang thực hiện 16 FTA với các nước theo hình thức song phương và đa phương như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA,...
Theo đó, Việt Nam sẽ mở rộng hàng hóa xuất khẩu đi các nước với sức mua hàng tỷ dân và có thu nhập cao bởi thuế quan nhập khẩu vào các nước giảm mạnh và tiến tới bằng 0 theo các Hiệp định.
"Một cơ hội nữa, đó là cơ hội để chúng ta nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm xuất khẩu, tăng năng lực cạnh tranh về giá và chất lượng với các nước khác. Cơ hội tiếp theo là cho thị trường nội địa, người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận với các hàng hóa có chất lượng, giá thành tương đối hợp lý để sử dụng hàng ngày một cách đa dạng, phong phú hơn.
Cơ hội cho thị trường bán lẻ và nhất là các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam học tập kinh nghiệm quản lý kinh doanh để có thể làm chủ được thị trường nội địa ngay trên sân nhà. Về mặt đầu tư, Việt Nam có cơ hội thu hút thêm các nguồn đầu tư đa dạng, phong phú, có chất lượng của các nước tiên tiến trong khu vực, đưa sự phát triển sản xuất kinh doanh lên một nấc thang mới trong 5-10 năm tới", ông Phú nhận xét.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích trên, chuyên gia Vũ Vinh Phú cũng lưu ý, doanh nghiệp Việt phải chấp nhận một cuộc cạnh tranh không cân sức với các doanh nghiệp và sản phẩm nước ngoài, đầu tư và nhập khẩu.
Do đó, Việt Nam cần phải cải cách mạnh mẽ từ bên trong của nền kinh tế, thể chế kinh doanh, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực còn đang yếu kém so với các nước đang phát triển. Nhất là trong thời đại phát triển mạnh mẽ của công nghiệp 4.0 và kinh tế số.