Ngày 3/12, theo nguồn tin của phóng viên Dân Việt, vào lúc 14h ngày 2/12 trường THCS Hoàng Quốc Việt (quận 7, TP.HCM) đã tổ chức họp kiểm điểm viên chức đối với cô Võ Thị Như Hoa (giáo viên môn Ngữ văn). Đáng nói, cuối cuộc họp này, cô Như Hoa bất ngờ uống nắm thuốc đã được chuẩn bị trước đó để tự tử.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, thầy cô tại trường THCS Hoàng Quốc Việt lập tức gọi xe cứu thương, đưa cô Hoa đến bệnh viện quận 7 để cấp cứu. Được biết, cô Như Hoa đã ổn định sức khỏe và được xuất viện trong đêm 2/12.
Theo ông Trương Hương Hảo, hiệu trưởng trường THCS Hoàng Quốc Việt việc cô Như Hoa uống thuốc sau khi kết thúc cuộc họp kiểm điểm cá nhân là có xảy ra. Tuy nhiên, về nguyên nhân thì ông Hảo cho biết không rõ vì sao, bởi cuộc họp kiểm điểm cá nhân diễn ra hết sức bình thường, đúng quy trình.
Còn phía cô Hoa cho rằng bị trường cáo buộc là tự ý bỏ nhiệm sở, bị công an kết luận vi phạm hình sự và bị phạt tội gây rối trật tự công cộng nhưng hiệu trưởng không đưa ra được chứng cớ cụ thể.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Thứ nhất, hành động này là giọt nước tràn ly. Nếu chúng ta nhìn cả quá trình sẽ thấy bản thân cô giáo đã trải qua giai đoạn dài căng thẳng, tổn thương sức khỏe tinh thần khi có quyết định kỷ luật trước đây hay cách ứng xử không được tôn trọng.
Thứ hai, dường như trong giai đoạn này mọi người trở nên nhạy cảm hơn với công việc và cách hành xử của nhau. Có thể cô giáo thấy bị kỷ luật, giao việc không công bằng nên không tham gia, không chấp nhận, không hài lòng dẫn đến hành động tự tử.
Thứ ba, hành động uống thuốc tự tử có thể mang nhiều ẩn ý như thể hiện phản đối, gây chú ý đến cộng đồng để khiến những người có quyết định kỷ luật cô phải hành xử theo cách khác đi. Bởi vì uống thuốc trong hoàn cảnh mọi người có mặt xung quanh thì cho thấy động cơ tự tử là không có".
PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh: "Thời gian qua dường như ai cũng gặp nhiều vấn đề về mặt tâm lý, đặc biệt ngành giáo dục chịu nhiều tổn thương trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, lời khuyên của tôi với các tổ chức lãnh đạo nhà trường là không nên thực hiện công việc theo cách chuyên chế, độc quyền, giao việc, đánh giá mà không hiểu giáo viên đang có những khó khăn gì, tổn thương ra sao, không thấu hiểu với cấp dưới. Sắp tới đây, khi trường học mở cửa trở lại, chúng ta sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề trong giáo dục, không chỉ giáo viên mà cả học sinh".
Từ vụ việc cô giáo uống thuốc sâu tự tử này hay những vụ trước như giáo viên quỳ gối trước phụ huynh trước đó... PGS. TS Trần Thành Nam đã chia sẻ thêm về văn hóa của người thầy trong thời đại mới: "Giáo viên hiện nay vất vả hơn rất nhiều, phải nỗ lực để tạo vị thế cho mình. Nhiều người nghĩ rằng có vẻ vai trò của người thầy đã đi xuống thế nhưng ở khía cạnh nào đó, dù giáo viên không còn là trung tâm của tri thức nữa nhưng người thầy vẫn là hình mẫu, tấm gương nhân cách để giáo dục học trò, là con người truyền động lực, tạo cảm hứng, là nhà tâm lý, nhà giáo dục biết điểm mạnh điểm yếu để thúc đẩy tiềm năng của học trò.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, người thầy cũng phải trở thành nhà sư phạm số, có năng lực thông tin truyền thông, phải biết tương tác với màn hình như một diễn viên thực thụ. Nếu người thầy làm được những điều như thế thì sẽ được mọi người tôn trọng.
Khi xã hội ngày càng phát triển công nghiệp thì giáo dục cần phải trở lại hình thái nông nghiệp và người thầy phải vun trồng, chăm sóc "cái cây" thật tỉ mẩn, tận tâm để cá nhân hóa từng người. Văn hóa ứng xử của người thầy đã khác xưa, không còn là cái máy để "bơm" tri thức vào học trò, vì vậy người thầy phải dùng nhân cách của mình để truyền cho học trò", PGS. TS Trần Thành Nam cho hay.