Được biết, trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Lai Châu năm 2021 do Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức, UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức Tọa đàm xúc tiến đầu tư giữa Hiệp hội Sâm Lai Châu, Hiệp hội Nông sản Lai Châu và Hiệp hội Nghệ nhân Hàn Quốc, Hiệp hội Nhân sâm Hàn Quốc, Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc tại Việt Nam.
Có thể thấy, Lai Châu đang sở hữu một kho báu quý hiếm, đó là sâm. Theo những tài liệu đã công bố ở Việt Nam, cây sâm Lai Châu mới chỉ phát hiện duy nhất ở tỉnh Lai Châu.
Sâm Lai Châu có tên khoa học Panax Vietnamensis fodicus var cùng dòng với sâm Ngọc Linh với 52 loại saponin, trong đó có 26 loại chưa được xác định.
Tính đến ngày 31/10/2021 tỉnh Lai Châu có 25 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và gần 200 hộ nông dân trồng sâm, diện tích để phát triển cây sâm là 856ha, trong đó có 188ha đã được trồng từ 1-5 năm tuổi.
Đánh giá cao chất lượng sâm Lai Châu, các nhà quản lý, doanh nghiệp cho rằng, tỉnh Lai Châu cần tập trung mở rộng diện tích, xây dựng thương hiệu, mở rộng sản xuất để tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Các doanh nghiệp của Hàn Quốc đánh giá, sâm Lai Châu và sâm Hàn Quốc rất nhiều tiềm năng lợi thế của việc liên kết phát triển.
Thời gian qua, xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm, tỉnh Lai Châu đã xây dựng, ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, đề án về phát triển sản xuất nông nghiệp.
Nhờ đó, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển rõ nét. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 đạt trên 3.200 tỷ đồng, tăng 8,5 lần so với năm 2004; tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2004-2020 đạt trên 22%; hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như: trên 8.000 ha chè, gần 13.000 ha cao su, trên 5.000 ha mắc ca, 4.000 ha chuối...
Bà Giàng Páo Mỷ - Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu nhấn mạnh: Thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, Lai Châu mong muốn được tiếp nhận, chuyển giao các dự án sản xuất, chế biến ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến.
"Với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, tăng năng suất, giá trị sản phẩm; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho người dân nông thôn, hướng tới mục tiêu hợp tác cùng phát triển, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Lai Châu sẽ phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động tại địa phương" - bà Giàng Páo Mỷ cam kết.
Đến nay, Lai Châu từng bước tạo vùng nguyên liệu, xây dựng các nhà máy chế biến hoa quả. Ngoài ra, Lai Châu có rất nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi gia súc và thủy sản tại các hồ thủy điện.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, các tổ chức doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư giúp Lai Châu phát triển thế mạnh; tỉnh Lai Châu cần tạo môi trường thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đang là thế mạnh của tỉnh như: Sâm Lai Châu, mắc ca, chè, nuôi ong lấy mật...
Ông Trần Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khẳng định: Tỉnh Lai Châu luôn sẵn sàng đồng hành cùng các nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận các chính sách của tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.
Thực hiện nhất quán chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuê đất, đầu tư kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng.
Giảm tối đa thủ tục hành chính về đầu tư, thành lập doanh nghiệp, cụ thể: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không quá 02 ngày/03 ngày. Cấp phép xây dựng không quá 10 ngày; Thủ tục thuế, hải quan thuận lợi, nhanh chóng.
Cung cấp đủ lao động có chất lượng, phù hợp với hoạt động đầu tư; hỗ trợ đào tạo lao động. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, các thủ tục hành chính thuộc các ngành như: quy hoạch, xây dựng, đất đai, tài nguyên - môi trường, y tế...
Để khai thác hiệu quả tiềm năng của sâm Lai Châu, tỉnh Lai Châu đã ký hợp tác đầu tư chuyển giao kỹ thuật trồng sâm giữa Hiệp hội Sâm Lai Châu với Hiệp hội Sâm Hàn Quốc; ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hiệp hội Nông sản Lai Châu với Hiệp hội Nghệ nhân Nông nghiệp Hàn Quốc.