Dân Việt

Nghệ An: Linh hoạt chi trả bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động

Cảnh Thắng 07/12/2021 06:18 GMT+7
Nhằm giúp người lao động nhanh chóng nhận được trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An đã có nhiều phương thức hỗ trợ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và tạo việc làm mới cho người lao động.

Nghệ An linh hoạt trong việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp, linh động trong tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Thực hiện: Cảnh Thắng

Linh hoạt cho trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động

Để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh chi trả chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn việc làm, học nghề cho người lao động, giúp người lao động quay trở lại nhà máy, xí nghiệp một cách sớm nhất có thể.

Nghệ An: Linh hoạt chi trả bảo hiểm thất nghiệp, linh động tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động   - Ảnh 2.

Người lao động đang viết hồ sơ để Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An kết nối và giới thiệu việc làm. Ảnh: Cảnh Thắng

Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An đến hết tháng 11/2021 đã xác nhận cho 13.943 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, với số tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp là hơn 206,1 tỷ đồng.

Nhằm giúp người lao động nhanh chóng nhận được trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, ổn định cuộc sống, trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An đã thực hiện hỗ trợ lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp qua nhiều hình thức như: Qua đường bưu điện, áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống nộp hồ sơ online, tra cứu kết quả, tiếp nhận hồ sơ gửi qua hộp thư điện tử.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn triển khai thông báo rộng rãi trên website của đơn vị và các mạng xã hội như Zalo, Facebook… Qua đó, vừa đảm bảo người lao động nhận được bảo hiểm thất nghiệp theo quy định, vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trung tâm cũng chú trọng công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, được thực hiện xuyên suốt quá trình người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp như: Tư vấn ban đầu trước khi lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; tư vấn khi lao động đến nhận kết quả hưởng trợ cấp thất nghiệp; tư vấn mỗi lần lao động đến thông báo tình trạng việc làm hàng tháng. Tất cả người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật.

Nghệ An: Linh hoạt chi trả bảo hiểm thất nghiệp, linh động tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động   - Ảnh 3.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An linh hoạt trong việc chi trả thất nghiệp cho người lao động. Ảnh: Cảnh Thắng

Khi dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, nhằm giúp người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm, sớm quay lại thị trường lao động, đơn vị này đã chuẩn bị một số phương án nhằm kết nối doanh nghiệp và người lao động.

Theo đó, chủ động khảo sát, kết nối với các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp trong tỉnh để giới thiệu việc làm phù hợp cho người lao động. Mặt khác, liên kết với các trường, trung tâm đào tạo, dạy nghề trên địa bàn tỉnh để đa dạng thêm ngành nghề giúp cho người lao động có thêm nhiều lựa chọn việc làm.

Đơn vị này cũng dự kiến tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các vùng sâu, vùng xa, các phiên giao dịch việc làm online để hỗ trợ người lao động sớm có được việc làm.

Linh động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động

Ở Nghệ An, nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An đang xúc tiến tuyển dụng lao động nhằm mở rộng sản xuất, đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế.

Với trên 76.000 lao động từ các tỉnh, thành phố về quê tránh dịch đã bổ sung thêm nguồn lực khá dồi dào vào thị trường lao động, giải được bài toán "khát" lao động nhiều năm nay. Còn người lao động đã giải tỏa được nỗi lo khi họ tìm được công việc ổn định ngay tại quê nhà.

Do ảnh hưởng của dịch, sau 15 năm đi làm việc tại Đồng Nai, cách đây 5 tháng vợ chồng chị Nguyễn Thị Vân, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, đã tìm được công việc ổn định tại Công ty CP Tập đoàn An Hưng gần nhà. Mặc dù đã vào miền Nam suốt 15 năm, nhưng vợ chồng chị vẫn rơi vào cảnh tạm bợ ở nhà thuê, con gửi về ông bà, hàng năm vợ chồng con cái chỉ gặp nhau được vài lần.

Khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở các tỉnh phía Nam, vợ chồng chị Vân quyết định về quê. May mắn vợ chồng chị đã xin được vào công ty may gần nhà, trong đó chồng chị có kinh nghiệm, tay nghề nên đã được tuyển vào làm tổ trưởng tổ chuyền may.

Hiện, cùng với tiền lương và tiền tăng ca, mỗi tháng thu nhập của anh chị được gần 25 triệu đồng/tháng. Số tiền hiện tại có thể chỉ bằng 2/3 so với làm tại các tỉnh phía Nam, nhưng anh chị thấy yên tâm vì công ty mới có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, vì được chuyển về gần nhà nên có điều kiện chăm sóc bố mẹ, con cái.

Nghệ An: Linh hoạt chi trả bảo hiểm thất nghiệp, linh động tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động   - Ảnh 4.

Người lao động thất nghiệp đang viết hồ sơ để hưởng chế độ hỗ trợ thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An. Ảnh" Cảnh Thắng

Trong khi đó, ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An cho hay: Để thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp gắn với tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19, Trung tâm đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi và nâng cao tính chính xác trong công tác giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Thời gian tới, Trung tâm cũng sẽ đồng bộ áp dụng công nghệ thông tin vào việc giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhằm hỗ trợ người lao động thất nghiệp thuận tiện trong quá trình hoàn thiện hồ sơ. Song song đó, đơn vị này cũng sẽ tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp, để giúp họ sớm tìm được việc làm, ổn định cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành "điểm tựa" trong đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ phần nào để người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, sớm ổn định cuộc sống và quay trở lại thị trường lao động.

Ông Đinh Văn Phong - Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp và lao động – Khu Kinh tế Đông Nam cho biết: Dù dịch bệnh ảnh hưởng khá nhiều đến việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng nhu cầu việc làm tăng cao. Hơn thế, trong năm 2022, nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An đi vào sản xuất; dự báo các doanh nghiệp cần khoảng 50.000 lao động, trong đó 60-70% nhu cầu nhân lực thuộc ngành dệt may, điện tử, phù hợp với lao động phổ thông. Ngoài ra, nhiều vị trí việc làm cho lao động kỹ thuật cao cần phải qua đào tạo.