Cho học sinh trở lại trường trong điều kiện thích ứng an toàn
Ngày 7/12, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đã nhận báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về công tác chuẩn bị học trực tiếp trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo Sở GDĐT Bình Dương, việc học trực tiếp của cấp mầm non và tiểu học ở địa bàn cấp độ dịch thuộc cấp 1, cấp 2 (nguy cơ thấp và trung bình) được tổ chức theo từng giai đoạn.
Giai đoạn 1, từ ngày 12 đến 24/12/2021, thí điểm cho trẻ mầm non, học sinh lớp 1, lớp 2 có cha, mẹ tham gia lao động sản xuất, có nhu cầu bức thiết, cần gửi con được đến trường học trực tiếp.
Giai đoạn 2, từ ngày 27/12/2021 đến 28/1/2022, mở rộng đối tượng trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non cho toàn bộ cha, mẹ có nhu cầu gửi trẻ, tự nguyện đăng ký; học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 có cha, mẹ tham gia lao động sản xuất, tự nguyện đăng ký. Đối với các đối tượng còn lại vẫn tổ chức dạy trực tuyến.
Giai đoạn 3, từ ngày 7/2/2022 (sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần), nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, sẽ tổ chức học trực tiếp cho toàn bộ học sinh tiểu học và mầm non.
Cha, mẹ học sinh và cán bộ giáo viên, nhân viên đảm bảo điều kiện đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 hoặc tiêm 1 mũi tối thiểu 14 ngày. Ở cấp mầm non, giao nhận trẻ tại cổng trường và không tổ chức bữa ăn sáng cho trẻ tại trường, không tổ chức các hoạt động ngoại khóa và sự kiện lễ, hội.
Cha, mẹ đưa đón học sinh tiểu học tại cổng trường; tổ chức ăn trưa tại lớp học không tập trung đến nhà ăn, không tổ chức ăn xế, không tổ chức các hoạt động ngoại khóa.
Đối với cấp THCS, THPT, từ ngày 6/12/2021, tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 9 thuộc địa bàn có cấp độ dịch 1, 2 và toàn bộ học sinh THPT. Các cơ sở giáo dục ngoài giờ chính khóa, trung tâm ngoại ngữ, tin học, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, các cơ sở giáo dục kỹ năng sống tổ chức dạy trực tiếp tại địa phương cấp độ 1.
Giáo viên, học viên tham gia lớp học trực tiếp phải tiêm 2 liều vaccine phòng Covid-19 đủ 14 ngày, cá nhân tham gia lớp học không thuộc đối tượng phải cách ly y tế.
Các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa bàn dịch cấp độ 1, 2 được đào tạo trực tiếp và phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định an toàn về phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Sở GDĐT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; giáo viên, học viên phải tiêm 2 liều vaccine đủ 14 ngày và không thuộc đối tượng cách ly y tế.
Riêng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong năm 2021 và hết quý I/2022 được tổ chức dạy học trực tiếp phân lý thuyết và thực hành cho học sinh, sinh viên, học viên năm cuối chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp.
Dự kiến, từ ngày 3/1/2022 các trường THCS, THPT trong tỉnh, các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục ngoài giờ, trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở giáo dục kỹ năng sống… tổ chức đón 100% học sinh, học viên trở lại trường để dạy học trực tiếp trong trạng thái bình mới.
Ngành y tế hỗ trợ phương án xét nghiệm, điều trị khi có F0 trong trường học
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở GDĐT cho biết, ngành giáo dục đã phối hợp với ngành y tế triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh từ 12-17 tuổi. Đến nay, tỷ lệ tiêm mũi 2 ở cấp THPT đạt trên 97%, học sinh khối 7,8,9 đạt trên 95% mũi 1, riêng khối 9 đã hoàn thành mũi 2. Dự kiến cuối tháng 12/2021 sẽ hoàn thành tiêm mũi 2 cho học sinh từ 12-17 tuổi.
Về việc tổ chức xét nghiệm, bà Hằng cho biết sẽ tổ chức test nhanh cho giáo viên, nhân viên, học sinh THCS, THPT vào ngày đầu tiên khi bước vào học trực tiếp và sẽ tiếp tục phối hợp với ngành y tế để quyết định việc xét nghiệm trong thời gian tiếp theo.
Ngành GDĐT cũng đã có phương án xử trí, điều trị khi phát hiện F0 trong trường học. Đối với địa phương có cấp độ 3, chỉ khuyến khích học trực tiếp chứ không bắt buộc. Ngành đang xin ý kiến về việc lắp đặt camera trong lớp học để nhà trường vừa tổ chức học trực tiếp, vừa tổ chức học trực tuyến.
Theo ông Huỳnh Thanh Hà – Phó Giám đốc Sở Y tế, trong kế hoạch cần bổ sung bố trí mỗi trường tối thiểu 1 nhân viên y tế và phòng cách ly F0 tạm thời; tần suất xét nghiệm cho học sinh phù hợp với tình hình dịch; chú ý an toàn phòng dịch khi tổ chức bữa ăn.
Công tác truyền thông học đường cũng rất quan trọng nhằm nâng cao ý thức cho học sinh và sự phối hợp của phụ huynh học sinh.
UBND tỉnh Bình Dương đánh giá kế hoạch của Sở GDĐT về việc chuẩn bị cho học sinh đến trường là khá cụ thể, toàn diện. Từ đó, yêu cầu ngành y tế hỗ trợ xây dựng phương án xét nghiệm cho học sinh, công tác điều trị cho học sinh.
Ngành GDĐT tổ chức dạy và học đảm bảo an toàn, chất lượng. Giao địa phương chủ động mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học trực tiếp theo tinh thần 4 tại chỗ. Song song đó, tăng cường tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh tránh tâm lý chủ quan nhưng cũng không gây hoang mang, lo lắng khi quay trở lại trường học.