Cũng theo nhận định của Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), tình trạng trên xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, bao gồm nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Thứ nhất, về nguyên nhân khách quan, các nước có quyết tâm phát triển ngành sản xuất nội địa. Cụ thể, thép là đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất nội địa, nên nhìn chung chính sách của đa số các nước đều cố gắng bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển ngành sản xuất thép trong nước để nâng cao giá trị gia tang mà nền kinh tế tạo ra và có thêm việc làm cho người lao động.
Thép là mặt hàng đa dạng, phong phú nhiều chủng loại, tính ứng dụng rộng rãi, nên khả năng một hoặc một nhóm sản phẩm trong số hàng ngàn chủng loại sản phẩm thép trở thành đối tượng của các vụ kiện là rất cao.
Thép là đối tượng của nhiều vụ việc PVTM trên thế giới, nên các sản phẩm xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam có nhiều khả năng bị các nước chú ý điều tra để tránh hiện tượng lẩn tránh thuế;
Ngoài ra, cùng với việc Việt Nam ký kết một loạt các FTA song phương, đa phương, thế hệ mới và mở cửa thị trường, nhiều mặt hàng trong đó có sắt thép sẽ có mức thuế về 0%, dẫn tới các nước tìm các biện pháp khác (ngoài thuế nhập khẩu) nhằm hỗ trợ ngành sản xuất nội địa của mình;
Thứ hai, về nguyên nhân chủ quan, sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam có giá thành tương đối cạnh tranh do nhiều nguyên nhân khác nhau như chi phí nhân công rẻ, các doanh nghiệp đang dần dần tự sản xuất nguyên liệu đầu vào thép cán nóng… đe dọa lợi nhuận của doanh nghiệp nước sở tại;
Hệ thống sổ sách kế toán của một số doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp thép nói riêng còn chưa chuyên nghiệp, có những điểm chưa tương đồng với chuẩn mực quốc tế, do đó trong quá trình kháng kiện, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều bất lợi.
Mặc dù trong những năm trước đây sản phẩm thép đã bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM nhiều, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam tiếp tục tăng, sản phẩm thép của Việt Nam tiếp tục tạo uy tín trên nhiều thị trường khác nhau.
Mặc dù hiểu biết của Hiệp hội thép, doanh nghiệp thép về PVTM đã được củng cố trong những năm vừa qua, tuy nhiên vẫn còn hạn chế về khả năng dự đoán, nắm bắt thông tin sớm.
Nếu như trước đây, doanh nghiệp chưa biết đến hoặc chưa có nhận thức đầy đủ về các vụ việc PVTM, thì trong khoảng 5 năm gần đây, với các nỗ lực của Chính phủ, Hiệp hội thép Việt Nam thì nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu thép đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp thép đã coi việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ là một hoạt động tất yếu trong thương mại quốc tế, do đó một số doanh nghiệp đã xây dựng phòng ban, đội ngũ nhân sự chuyên môn hóa cho việc xử lý các vụ việc PVTM.
"Trên thực tế, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ngoài việc phải đối diện với khó khăn do số lượng vụ việc gia tăng còn đang đối diện nhiều khó khăn hơn trong việc xử lý các vụ việc PVTM do các vụ việc ngày càng có tính chất phức tạp hơn, các nước ngày càng đưa ra các quy định nghiêm ngặt hơn như yêu cầu cung cấp thông tin rất chi tiết, hạn chế thời gian trả lời bản câu hỏi, mở rộng điều tra nhiều đối tượng…
Đặc biệt trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá, một số vụ việc cơ quan điều tra nước ngoài cáo buộc rằng nền kinh tế Việt Nam chưa hoàn toàn hoạt động theo nguyên tắc thị trường (nền kinh tế thị trường), hay ngành thép chưa vận hành đầy đủ theo cơ chế kinh tế thị trường (ví dụ trong vụ việc Ca-na-đa điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép cốt bê tông, cơ quan điều tra điều tra về cáo buộc vấn đề tình hình thị trường đặc biệt trong lĩnh vực thép cốt bê tông khiến cho giá thành thép cốt bê tông bị "bóp méo"). Điều này khiến biên độ bán phá giá bị đẩy lên cao, không phản ánh đúng thực tế hoạt động của doanh nghiệp", Cục PVTM thông tin thêm.