Dân Việt

Tăng cường truyền thông để hiểu đúng về phòng vệ thương mại

Thanh Phong 03/11/2021 22:52 GMT+7
Trong bối cảnh mọi ngành kinh tế đều đang tham gia vào tiến trình đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường, việc tăng cường tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu đúng về lĩnh vực phòng vệ thương mại (PVTM) trở nên cấp thiết.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2001 đạt hơn 15 tỷ USD. Năm 2011 đạt gần 100 tỷ USD, năm 2020 đạt hơn 280 tỷ USD; với kết quả này, Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.

Song, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu, các biện pháp PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng gia tăng nhanh chóng. Cụ thể, nếu như giai đoạn 2005-2010 mới có 25 vụ việc thì trong giai đoạn 2011-2015 là 52 vụ việc và giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9-2021 là 109 vụ việc.

Theo nhận định của Cục PVTM, Bộ Công Thương, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM sẽ có những tác động tiêu cực.

Tăng cường truyền thông để hiểu đúng về phòng vệ thương mại - Ảnh 1.

Thời gian qua, với các nỗ lực của Chính phủ, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về PVTM đang dần được nâng cao.

Với vai trò, tác động của PVTM trong bối cảnh hội nhập, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, các biện pháp này có thể xuất hiện cả ở chiều xuất khẩu và nhập khẩu.

Thứ nhất, hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu phải đối mặt với những biện pháp PVTM. Ở chiều ngược lại, hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam chúng ta cũng có thể áp dụng các biện pháp tương tự.

Vì vậy, thời gian tới, cần tăng cường truyền thông để cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu đúng về biện pháp PVTM nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp trong việc ứng phó và sử dụng công cụ này.

Nhấn mạnh quan điểm, vẫn còn rất nhiều khó khăn đặt ra đối với doanh nghiệp, ngành hàng trong quá trình tham gia, tiếp nhận các vụ việc về PVTM, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị, cần nhiều hơn sự hỗ trợ, truyền thông, thông tin về các biện pháp ứng phó từ Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, với các nỗ lực của Chính phủ, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về PVTM đang dần được nâng cao. Một số ngành, doanh nghiệp đã xác định được điều tra PVTM là hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế, do đó, chủ động trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài.

Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiểu biết về PVTM chưa sâu nên vẫn còn bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra, không hiểu rõ các công việc cần thực hiện trong khi yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài rất chặt chẽ về trình tự thời gian, thủ tục, các thông tin doanh nghiệp phải cung cấp. Các doanh nghiệp không đáp ứng đúng yêu cầu của cơ quan điều tra có khả năng cao nhận được kết quả bất lợi, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu.

Để hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng và ứng phó hiệu quả với các vụ việc PVTM, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công Thương cho biết, chính sách pháp luật về PVTM không ngừng được hoàn thiện.

Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về lĩnh vực này cho doanh nghiệp; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cho nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện PVTM tại nhiều thị trường,…