Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông lâm Liên hợp quốc (FAO), bảo vệ sức khỏe cây trồng có thể giúp xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính vì thế, Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố năm 2020 là Năm quốc tế về sức khỏe cây trồng.
TS. Yubak, GC – Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của FAO nhận định, trong ba thập kỷ vừa qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn về sản lượng, đặc biệt là năng suất và hiệu quả. Việt Nam đã vươn lên thành nước xuất khẩu hàng đầu về lương thực và một số hàng hóa khác như: gạo, điều, hồ tiêu, cà phê, sắn và thủy sản.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm và thủy sản của Việt Nam đã đạt con số kỷ lục 41,2 tỷ USD. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn đang phải đối mặt với nhiều thách thức căn bản như năng lực cạnh tranh thấp, dịch bệnh, môi trường chưa bền vững và biến đổi khí hậu.
Đáng chú ý, biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người đã làm thay đổi hệ sinh thái, khiến suy giảm đa dạng sinh học, làm cho sức khỏe cây trồng phải đối mặt với nhiều mối đe dọa ngày càng lớn và phức tạp hơn.
Trong thập kỷ vừa qua, thương mại quốc tế đã tăng gấp 3 lần về lượng và có thể nhanh chóng khiến dịch bệnh lây lan toàn thế giới, gây thiệt hại nghiêm trọng tới thực vật và môi trường bản địa.
Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ nghiêm trọng về dịch hại thực vật di cư xuyên biên giới như: sâu keo mùa thu, châu chấu sa mạc, châu chấu tre, rầy truyền bệnh vàng lùn, bệnh lùn xoắn lá, rầy lưng trắng truyền bệnh lùn sọc đen, bệnh khảm lá sắn và nhiều loại dịch hại khác.
Cùng với đó, an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất và kháng sinh cũng như quan ngại về chất lượng là các rào cản phổ biến đối với nông sản thực phẩm của Việt Nam khi tiếp cận thị trường tiêu chuẩn.
Đặc biệt, thâm canh, độc canh, sử dụng hóa chất quá mức, ô nhiễm đất và nước và biến đổi khí hậu đang là vấn đề nóng hổi tác động tới mục tiêu sản xuất và tiếp cận thị trường bền vững.
Do đó, việc quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp được đánh giá là cách tiếp cận mới, phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường hợp tác công – tư (PPP) theo định hướng của Đảng, Chính phủ Việt Nam hiện nay. Việc áp dụng cách tiếp cận sức khỏe cây trồng cũng sẽ giúp nâng cao uy tín và giá trị của sản phẩm nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
"Chúng tôi hy vọng rằng cách tiếp cận sức khỏe cây trồng sẽ giúp giải quyết toàn diện các vấn đề này nhằm hỗ trợ nông dân bảo vệ cây trồng, tăng thu nhập, góp phần đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng cho tất cả mọi người, và bảo vệ sức khỏe hệ sinh thái" - TS. Yubak, GC chia sẻ.
Sức khỏe cây trồng là một trong những trụ cột trong cách tiếp cận "Một sức khỏe" (One Health - OH) vì thực vật là nguồn không khí cho chúng ta thở và phần lớn thực phẩm mà chúng ta ăn, do đó cần phải bảo vệ để thực vật luôn khỏe mạnh.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV nhận định, sức khỏe cây trồng là cách tiếp cận mới nhằm đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm với thế giới. "Nội hàm của sức khỏe cây trồng (Plant Health - PH) là quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nhưng ở góc nhìn rộng hơn" – ông Dương nói.
Theo ông Dương, vào những năm 1992-1998, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) do FAO tài trợ rất có ý nghĩa, hiệu quả và tạo ra tác động rất lớn. Chương trình đã triển khai có hiệu quả trên nhiều cây trồng chủ lực như lúa, bông, rau màu và cây ăn quả... và lan tỏa mạnh trong cộng đồng nhiều năm qua.
Chương trình IPM đã góp phần to lớn cho công tác bảo vệ thực vật, quản lý sinh vật gây hại trên cây trồng, đặc biệt làm giảm đáng kể lương thuốc BVTV hóa học sử dụng trên đồng ruộng, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Khái niệm "một sức khỏe" (One Health - OH) được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đề ra khung chiến lược từ năm 2008. Khung chiến lược này tập trung vào bệnh truyền nhiễm mới nổi (EID) liên quan đến động vật – con người – hệ sinh thái.
Theo FAO, OH là cách tiếp cận tổng thể để phòng ngừa và giảm thiểu mối đe dọa đến sức khỏe con người – động vật – thực vật – môi trường nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đảm bảo an ninh lương thực dinh dưỡng, hệ sinh thái bền vững và thúc đẩy thương mại công bằng.
Chính phủ Việt Nam đã đưa nội dung IPM thành một trong những nguyên tắc và yêu cầu cơ bản của quản lý dịch hại trong Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật 2013. Bộ NNPTNT đã phê duyệt và thực hiện "Đề án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015-2020". Sau 5 năm triển khai, có 29/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt chương trình IPM và nhiều tỉnh đã lồng ghép chương trình IPM vào chương trình khác với tổng kinh phí là 440 tỷ đồng.
Với mục đích tăng cường an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và bền vững môi trường thông qua tăng cường năng lực của hệ thống bảo vệ thực vật, ngày 29/4/2021, Bộ NNPTNT đã phê duyệt văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật "Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp" do FAO tài trợ với tổng nguồn vốn 400.000 USD, trong đó Cục BVTV là chủ dự án.
Ngày 29/6/2021, Cục BVTV (Bộ NNPTNT) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam đồng tổ chức hội thảo khởi động dự án "Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp" kéo dài trong 2 năm (2021-2023).
Dự án được kỳ vọng sẽ giúp quản lý một cách toàn diện và có hệ thống dịch hại xuyên biên giới, ứng phó với nguy cơ dịch hại trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế toàn cầu. Đồng thời, lồng ghép sức khỏe cây trồng, dinh dưỡng cây trồng, an toàn thực phẩm, chất lượng và dinh dưỡng...
"Nâng cao sức khỏe cây trồng là kế hoạch dài hơi của ngành nông nghiệp. Đây là một chương trình giám sát với người dân, mang lại nhiều lợi ích cho môi trường cũng như sản phẩm đầu ra" – ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV nhận định.
Theo Cục BVTV, nhiều nước trên thế giới đã xây dựng thành công chiến lược, khuôn khổ và cơ chế về sức khỏe cây trồng. Ví dụ, Úc đã xây dựng sức khỏe cây trồng Úc vào năm 2020 như một cơ chế hợp tác công – tư (PPP) để giải quyết các vấn đề về sức khỏe cây trồng và góp phần xây dựng chính sách cũng như định hướng các vấn đề chính về sức khỏe cây trồng.