Số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) cho thấy, hiện số lượng các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng.
Nhìn nhận về tình trạng trên, ông Lê Triệu Dũng cho biết, PVTM là công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng với mục đích bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, so với xu hướng sử dụng PVTM thì năng lực ứng phó của DN trong nước còn hạn chế, nên nguy cơ bị áp dụng biện pháp này đối với hàng hóa xuất khẩu vẫn rất lớn.
Trước bối cảnh trên, ông Dũng cho hay, thời gian qua, nhằm giúp DN ứng phó với các vụ việc PVTM, ông Lê Triệu Dũng cho biết, Cục PVTM luôn duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra PVTM của nhiều nước; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và DN để kịp thời cập nhật vụ việc.
Qua đó, hỗ trợ DN Việt Nam bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định WTO của nguyên đơn khởi kiện hay cơ quan điều tra nước ngoài; cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên cơ sở yêu cầu của cơ quan điều tra đối với chính phủ.
"Hiện tại, Cục PVTM đang tích cực triển khai hệ thống cảnh báo sớm nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện PVTM tại nhiều thị trường khác nhau để DN quan tâm, theo dõi…", ông Dũng thông tin.
Ngoài ra, trong xu thế bảo hộ gia tăng, về phía DN, để tránh các rủi ro về kiện PVTM, ông Lê Triệu Dũng nêu rõ, DN cần cải thiện năng lực ứng phó, phải hiểu biết chắc chắn về PVTM.
Cụ thể, trước khi vụ việc xảy ra, DN phải trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật, quy định PVTM trong các FTA giữa Việt Nam và các đối tác để nắm rõ các nghĩa vụ và quyền lợi; dự trù thuê luật sư khi cần thiết xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ, sổ sách đầy đủ và rõ ràng.
Còn khi vụ việc bị khởi xướng điều tra, cần xem xét tham gia vụ việc một cách tích cực bằng cách trả lời bản câu hỏi đúng thời hạn, hợp tác với cơ quan điều tra nước ngoài, tránh việc bị cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu sẵn có khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc.
Bên cạnh đó, đại diện Cục PVTM đặc biệt lưu ý, trong quá trình trả lời câu hỏi điều tra, DN cần thông tin về cơ cấu, tổ chức của mình; cũng như thông tin về các chủng loại sản phẩm sản xuất; dữ liệu về tình hình hoạt động kinh doanh, bán hàng trong nước với sản phẩm bị điều tra, chi phí sản xuất, bán hàng, quản lý…
Trường hợp bị kiện PVTM, DN cần cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, vì cơ quan điều tra có thể thẩm tra tại chỗ để xác minh; đảm bảo thời hạn nộp bản trả lời câu hỏi, chú ý tới ngôn ngữ sử dụng, các yêu cầu về hình thức, phương thức nộp bản trả lời.
"Cơ quan điều tra có thể yêu cầu trả lời các bản câu hỏi bổ sung, vì thế, DN phải thường xuyên theo dõi thông tin từ phía cơ quan điều tra; phối hợp, trao đổi thống nhất nội dung trả lời với Cục PVTM", ông Dũng nhấn mạnh.