Dân Việt

Thực hư thông tin một số cảng của Trung Quốc ngừng nhập khẩu hàng hóa trong 6 tuần?

K.Nguyên 09/12/2021 13:00 GMT+7
Trước thông tin Trung Quốc có thể ngừng nhập khẩu hàng hóa trong khoảng 6 tuần dịp Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây bày tỏ sự lo ngại. Tuy nhiên, không có chuyện Trung Quốc ngừng nhập khẩu trái cây của Việt Nam mà họ chỉ tạm ngừng nhập khẩu hàng hóa tại một số cảng.

Các cảng miền Nam Trung Quốc tạm nghỉ 6 tuần dịp Tết Nguyên đán 2022

Tại Diễn đàn kết nối cung - cầu cây ăn trái do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 của Bộ NNPTNT phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổ chức mới đây, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu trong 6 tuần có thể khiến xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc gặp khó.

Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, không có chuyện Trung Quốc ngừng nhập khẩu nông sản từ Việt Nam mà vẫn nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu bình thường, chỉ có nhập khẩu qua cảng miền Nam Trung Quốc sẽ gián đoạn trong vòng 6 tuần vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022.

Việc gián đoạn nhập khẩu qua các cảng miền Nam Trung Quốc cũng áp dụng cho hàng hóa ở nhiều thị trường khác, chứ không chỉ của Việt Nam.

Thực hư thông tin một số cảng của Trung Quốc ngừng nhập khẩu hàng hóa trong 6 tuần? - Ảnh 1.

Các cảng miền Nam Trung Quốc tạm nghỉ 6 tuần dịp Tết Nguyên đán 2022 có thể gây áp lực lên vận tải đường bộ lên các cửa khẩu. Trong ảnh: Ce chở nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Ảnh: Phạm Công.

Nguyên nhân dẫn đến sự gián đoạn này là do Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zero Covid” nên không chỉ kiểm soát chặt hàng hoá xuất nhập khẩu mà người nhập cảnh cũng phải kiểm tra.

Theo quy định này, các thuỷ thủ nước ngoài và thuỷ thủ của Trung Quốc khi về cảng đều phải cách ly đủ 3 tuần. Sau khi về quê nghỉ Tết lên, họ tiếp tục cách ly 3 tuần. Theo đó, các hãng khai thác tàu quyết định nghỉ Tết Âm lịch 6 tuần. 

Được biết, các hãng vận tải biển lớn toàn cầu như Ocean Network Express, Hapag-Lloyd và Evergreen đều đã thông báo với khách hàng tạm ngừng nhận các đơn hàng cho hàng hóa đi đến các cảng nhỏ ở đồng bằng sông Châu Giang và tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) do các nguyên nhân trên. 

Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, dù Trung Quốc vẫn nhập khẩu nông sản, trái cây của Việt Nam bình thường nhưng trong điều kiện kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt, khi các cảng phía Nam tạm ngừng nhận hàng 6 tuần thì áp lực sẽ đè nặng lên vận tải đường bộ.

Trung Quốc - Ảnh 1.

Trung Quốc tăng kiểm soát dịch Covid-19, xuất khẩu trái cây của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. Ảnh: M.N

 Trung Quốc tăng kiểm soát dịch, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cần lưu ý điều gì?

Dù vậy, theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc Trung Quốc áp dụng nghiêm ngặt lệnh cách ly với thủy thủ đoàn sẽ có tác động không nhỏ đến việc xuất khẩu rau quả của Việt Nam nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2022.

"Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cần lưu ý vấn đề này và điều chỉnh kế hoạch thương mại. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tăng cường bảo quản hàng hoá khi xuất khẩu theo đường bộ vì thời gian có thể kéo dài 3-4 tuần mới qua được Trung Quốc để tiêu thụ" - Hiệp hội Rau quả Việt Nam khuyến cáo.

Theo ước tính, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 11/2021 đạt 260 triệu USD, tăng 7,7% so với tháng 10/2021, nhưng giảm 0,4% so với tháng 11/2020.

Trong 11 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 3,25 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có thuận lợi khi doanh nghiệp tiếp tục khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng với nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, hàng rau quả xuất khẩu trong tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 sẽ khả quan hơn.

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Trong 10 tháng năm 2021, hàng rau quả xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chiếm 54,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả, giảm 2,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.