Chiều tối ngày 7/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin ghi nhận thêm 600 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 202 ca ngoài cộng đồng, 236 trường hợp trong khu cách ly và 162 ca khu phong tỏa.
Phân bố 600 bệnh nhân tại 179 xã, phường, thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện: Đống Đa (168); Ba Đình (56), Hà Đông (52), Thanh Xuân (38), Nam Từ Liêm (29), Hoàn Kiếm (25), Chương Mỹ (23), Thường Tín (21), Gia Lâm (18), Sóc Sơn (15), Tây Hồ (15), Hai Bà Trưng (15), Hoài Đức (15), Mê Linh (15), Mỹ Đức (14), Cầu Giấy (13), Đan Phượng (13), Đông Anh (11), Quốc Oai (10), Thạch Thất (7), Hoàng Mai (7), Bắc Từ Liêm (6), Phú Xuyên (3), Sơn Tây (3), Thanh Oai (2), Ứng Hòa (2), Phúc Thọ (2), Thanh Trì (1), Ba Vì (1).
Phân bố 202 ca cộng đồng theo theo quận, huyện: Phân bố tại 97 xã phường thuộc 26/30 quận huyện: Đống Đa (40), Thanh Xuân (24), Tây Hồ (12), Hà Đông (11), Đan Phượng (11), Thường Tín (11), Gia Lâm (11), Mỹ Đức (10), Ba Đình (10), Sóc Sơn (9), Chương Mỹ (8), Đông Anh (8), Hoài Đức (7), Hoàng Mai (5), Cầu Giấy (5), Thạch Thất (4), Nam Từ Liêm (3), Ứng Hòa (2), Sơn Tây (2), Bắc Từ Liêm (2), Hoàn Kiếm (2), Hai Bà Trưng (1), Quốc Oai (1), Ba Vì (1), Thanh Trì (1), Mê Linh (1).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 14.546 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 5.604 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 8.942 ca.
Cũng trong ngày 7/12, bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, (Đông Anh, Hà Nội) thông tin, hiện nay, số lượng bệnh nhân tăng, tình trạng nặng đến nguy kịch nhiều hơn, tập trung ở người cao tuổi. Hầu hết các trường hợp mà khoa tiếp nhận đang có xu hướng phải can thiệp tích cực như đặt ống thở máy, lọc máu, điều trị bệnh lý nền.
Theo bác sĩ Bắc, từ nhiều tuần qua, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã phải hoạt động tối đa công suất vì số lượng bệnh nhân gia tăng nhanh. Đáng chú ý, trong 2 tuần gần nhất, số lượng này đã tăng lên gấp đôi và có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Khoa Cấp cứu của bệnh viện là điểm tiếp nhận đầu tiên khi các bệnh nhân có diễn biến nặng được đưa vào chữa trị. Với khối lượng công việc lớn, đội ngũ nhân viên y tế chia làm 3 ca/ngày gồm 7 điều dưỡng/ca và tổng 9 bác sĩ điều trị thay phiên túc trực để đáp ứng tiếp nhận trung bình mỗi ngày khoảng 10 bệnh nhân diễn biến nặng.
"Khoảng 80 bệnh nhân nặng đang được điều trị, hầu hết ở mức độ phải hỗ trợ từ thở oxy đến thở máy, lọc máu. Các ca có nhiều bệnh lý nền như suy thận mạn tính, tiểu đường, huyết áp, HIV, xơ gan, mang thai… Lứa tuổi có xu hướng tăng lên, cao nhất là 101 tuổi. Trong đó, người trên 80 tuổi chiếm 30-40%, còn lại đa phần là trên 60 tuổi", bác sĩ Bắc thông tin.
Được biết, các bệnh nhân nặng nhất rơi vào nhóm lớn tuổi, có bệnh nhân 95 tuổi gần như nằm liệt giường.
Cũng theo lãnh đạo Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, khối lượng công việc mà đội ngũ nhân viên y tế đảm nhiệm không chỉ tăng lên về số lượng bệnh nhân mà còn tăng lên về khối lượng chăm sóc. Đội ngũ y tế phải chạy đua với thời gian để hỗ trợ, cấp cứu cho người bệnh.
"Với số lượng 30 giường thở máy luôn kín người nằm, khoa không thể tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân cùng một lúc. Còn các ca có chuyển biến nặng sẽ được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực", bác sĩ Bắc nói.
Nói về giải pháp trước mắt, bác sĩ Trần Văn Bắc cho hay, với xu hướng gia tăng các ca ngoài cộng đồng, bệnh viện đã lên kế hoạch tăng cường quy mô cho khoa và các phòng bệnh. Bên cạnh đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 1 (đường Giải Phóng, Hoàng Mai) cũng đã bố trí nhân lực hỗ trợ cho khoa, đồng thời đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ thêm nhân lực từ các bệnh viện khác.