Dân Việt

“Phao cứu sinh” của các hộ nông dân Quảng Nam giữa đại dịch Covid-19

Việt Nguyễn - Huỳnh Hồ 10/12/2021 06:50 GMT+7
Hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tiếp sức đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, phát triển các mô hình trang trại hiệu quả với nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm.

Tiếp vốn kịp thời

Từ năm 2020 đến nay, gặp khó khăn do tác động xấu của Covid-19, gia đình ông Nguyễn Bá Danh (ở khối Xuân Bắc, phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) đã tìm đến chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Nam vay 100 triệu đồng đầu tư mô hình trang trại. Với quỹ đất gần 1ha, ông Danh đào các ao nuôi cá diêu hồng, rô phi, trê, lóc, ếch; chăn nuôi 4 con bò, đàn gà thả vườn; trồng hoa cúc, thược dược và các loại rau quả. Ông Danh còn tạo khuôn viên rộng rãi, thoáng mát để mở khu ẩm thực, khách hàng tự chọn các món ăn để đầu bếp chế biến, phục vụ sau khi tham quan trang trại. Đầu tư mô hình kinh tế kỹ lưỡng đã giúp gia đình ông Danh tạo nguồn thu nhập ổn định.

"Chúng tôi trả nợ ngân hàng đúng hẹn, không xảy ra nợ quá hạn. Có nguồn thu khá, tôi đã gửi tiết kiệm đến ngân hàng để làm giàu thêm vốn chính sách, giúp các hộ nghèo, chính sách khác tiếp cận để xây dựng mô hình kinh tế"- ông Danh tâm sự.

“Phao cứu sinh” của các mô hình nông nghiệp - Ảnh 1.

Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Nam giải ngân vốn giúp người dân tạo việc làm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: N.H

"Với nhu cầu lớn vay vốn tạo việc làm trong thời gian tới, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Nam sẽ áp dụng đồng bộ các giải pháp để huy động vốn đáp ứng nhu cầu của người dân".

Bà Trần Thị Minh - Phó Giám đốc chi nhánh

Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Nam

Nhận được nguồn vốn vay 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH, gia đình ông Phạm Đình Tín (ở khối phố Xuân Bắc, phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) đầu tư trồng các loại rau sạch trên 3 sào đất, cho nguồn thu ổn định. "Vốn chính sách đã đến đúng lúc khi gia đình tôi bị thiệt hại nặng nề do Covid-19. Nhờ đầu tư đa dạng, phong phú các loại rau quả nên chúng tôi được thị trường đón nhận. Cùng với trả nợ đúng hạn, tôi gửi tiết kiệm vì lãi suất của ngân hàng chính sách cao"- ông Tín chia sẻ.

Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khối phố Xuân Bắc - ông Nguyễn Bá Chung cho biết: Tổng dư nợ vay vốn chính sách của các hộ dân trên địa bàn là 4 tỷ đồng. Nhu cầu vay vốn ưu đãi để tái đầu tư vào sản xuất sau thiệt hại do dịch bệnh rất cấp thiết. Người dân rất mong mỏi và được Ngân hàng CSXH tạo điều kiện thuận lợi để tiếp vốn đầu tư phát triển kinh tế.

Theo Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nam Trà My - Trần Văn Quang cho biết: Đơn vị đã triển khai nhiều chương trình tín dụng cho vay để giúp cho người dân vượt qua giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp. Cụ thể, cho vay giải quyết việc làm, cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo xây dựng mô hình kinh tế, cho vay chương trình phát triển lâm nghiệp, cho vay hộ dân tộc thiểu số đầu tư sản xuất chiếm hầu hết trong tổng dư nợ hơn 179 tỷ đồng đến nay. Vốn chính sách đã giúp hàng nghìn hộ gia đình nghèo, chính sách vươn lên trong cuộc sống.

Huy động thêm nguồn vốn

Trong năm 2021, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ gần 30.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh vay vốn tạo việc làm với doanh số cho vay gần 1.400 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ cho vay tạo việc làm lên 4.300 tỷ đồng, với hơn 100.000 lượt hộ vay vốn.

Hầu hết việc trả nợ định kỳ được các hộ thực hiện đúng hạn, rủi ro tín dụng chính sách không đáng kể. Để thêm trợ lực cho các hộ vay vốn tạo việc làm, chi nhánh đang giảm 10% so với lãi suất cho vay, áp dụng từ ngày 1/10/2021 đến 31/12/2021. Chi nhánh cân đối chi phí hoạt động để thực hiện việc giảm lãi suất cho vay trong phạm vi kế hoạch vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và chi phí quản lý được giao năm 2021.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn cho biết: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động xấu, sâu rộng đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, hộ chính sách. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự là điểm tựa vững chắc giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn tạo việc làm, khắc phục hậu quả dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh bền vững.