Cá thát lát ơi, đâu rồi một thủa vàng son-câu nói đầy chua xót của nông dân nuôi cá Nàng Hai ở tỉnh Hậu Giang

Thứ năm, ngày 09/12/2021 06:02 AM (GMT+7)
Cá thát lát đâu rồi một thời “vàng son” là câu nói đầy chua xót của nông dân quanh năm gắn bó với nghề nuôi cá Nàng Hai ở tỉnh Hậu Giang.
Bình luận 0

Đại dịch Covid-19 kéo giá cá thát lát thấp kỷ lục, bó hẹp đầu ra, trong khi giá thức ăn nuôi thủy sản tăng cao ngất ngưởng.

Cá thát lát ơi, đâu rồi một thủa vàng son-câu nói đầy chua xót của nông dân nuôi cá Nàng Hai ở tỉnh Hậu Giang - Ảnh 1.

Giá cá thát lát, trong đó có cá thát lát cườm (cá Nàng Hai) rớt thấp kỷ lục, người nuôi kém vui. Ảnh: LÝ ANH LAM.

Giá cá thát lát thấp kỷ lục

Sau thời gian dài giá cá thát lát thương phẩm ở mức thấp, nhiều hộ không “đủ sức” mua thức ăn, cho cá ăn cầm chừng chờ giá lên hoặc đành chấp nhận bán với giá thấp. 

Hiện giá cá thát lát ngoài thị trường là 40.000 đồng/kg cá 200-700 gram/con, cá lớn hơn có giá khoảng 39.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất từ đầu năm 2021 đến nay, tính ra mỗi ký cá thát lát sau khi trừ hết chi phí nông dân lỗ khoảng 15.000 đồng.

Chị Mỹ Thông, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), từng ăn nên làm ra nhờ con cá Nàng Hai (thát lát cườm) buồn bã tâm sự, chưa năm nào giá cá tuột dốc như năm nay. Không riêng gì gia đình chị mà nhiều hộ trong xóm thua lỗ nặng, thiếu vốn tái sản xuất cộng với giá cá thương phẩm hiện ở mức thấp nên phải treo ao.

Nhìn hầm cá rộng hơn 700m2, chị Mỹ Thông đượm buồn: “Vụ rồi bán kêu lái khó khăn, neo biết bao lâu rồi bán lỗ luôn. Tôi tính nuôi lại nhưng cá giống không có, đành chờ qua tết mới thả nuôi tiếp”.

Chuyên nuôi cá thát lát giống và cá thát lát thương phẩm, nhận thấy tình hình giá cá đang tuột dốc, khi giá ở mức 47.000 đồng/kg, ông Phạm Văn Khởi, ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã bán hết số cá lớn khoảng 40.000 con nuôi trong 4 ao, trong đó có 2 ao cá bố mẹ, mỗi ao khoảng 500m2. 

Sau khi bán xong, ông Khởi tiếp tục tái đàn, nuôi khoảng 10.000 con, hiện cá đạt trọng lượng khoảng 100 gram/con.

“Năm nay, tỷ lệ thả lại ít lắm, khoảng 1/3 số ao, cá giống cũng rẻ. Treo ao là một, số hộ còn nuôi thì cá quá lứa không bán được dẫn đến thua lỗ. Thức ăn lên mấy chục ngàn đồng một bao”, ông Khởi chia sẻ.

Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Do giá cá thát lát rẻ nên thương lái lựa mua cá tốt. Một số người chờ giá nên chưa chịu bán, dẫn đến thua lỗ nặng. Còn trong HTX, có hợp đồng nên bắt buộc phải bán, nhiều người thấy giá sụt giảm cũng chia sẻ với chúng tôi nên họ giảm giá chút đỉnh so với hợp đồng”. 

Lý giải tình trạng giá cá rớt thấp, chị Kim Thùy cho hay là do đầu ra yếu cộng với lượng thả nuôi nhiều nên ùn ứ. Với giá cá thát lát như hiện nay, người nuôi cầm chắc thua lỗ.

Cá thát lát quá lứa, đầu ra bị bó hẹp trong khi giá thức ăn lại ở mức cao khiến nhiều bà con lâm vào cảnh khó khăn là điều dễ nhận thấy ở các vùng nuôi cá trong tỉnh Hậu Giang. Qua rà soát của ngành nông nghiệp, đến giữa tháng 11, toàn tỉnh đang tồn đọng hơn 400 tấn cá thát lát, phần lớn chưa được thương lái thu mua và người dân chờ giá.

Để cá thát lát vươn xa

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Công ty TNHH nuôi trồng, chế biến thực phẩm sạch Tân Phát, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, thông tin: Công ty đang bao tiêu cá thát lát với giá 60.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường thời điểm này khoảng 20.000 đồng/kg, nếu cá đúng size từ 300-600 gram, còn lại là 50.000 đồng/kg. 

Vùng nguyên liệu của công ty chủ yếu ở xã Thạnh Hòa, với diện tích nuôi khoảng 30ha. Ông Phong nhận định, với giá cá thát lát đang ở mức như hiện nay, những hộ nuôi nhỏ lẻ đứng trước nguy cơ không cầm cự nổi do chi phí sản xuất tăng cao.

“Việc liên kết giữa người nuôi, HTX với công ty là hướng đi tất yếu và bền vững. Công ty không thể tự phát triển đơn độc một mình mà phải liên kết. Một người có sản phẩm nuôi, người có công nhân làm, người có nhà máy chế biến, bao bì, gộp lại liên kết với nhau để phát triển mạnh hơn, hướng đến xuất khẩu. Công ty mỗi tháng tiêu thụ khoảng 100 tấn cá nguyên liệu”, ông Nguyễn Thanh Phong bộc bạch.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp, nhìn nhận: Không có vùng nguyên liệu, người dân tự phát nuôi, thiếu sự liên kết nên chưa bền vững. Thời gian qua, địa phương cũng hỗ trợ tập huấn, xây dựng một số mô hình nuôi cá thát lát lồng ghép với các loại cá khác, nếu lỡ đứt gãy cũng còn con cá khác đừng bị lỗ.

Thực tế cho thấy, giá cá thát lát đang được bao tiêu trong tỉnh cao hơn giá ngoài thị trường và quan trọng là đầu ra ổn định, người nuôi có lãi. 

Về lâu dài, để đảm bảo tính bền vững, ông Trần Văn Tuấn chia sẻ: Hướng tới, phải quy hoạch lại, làm ăn tập thể. Mở rộng một số đối tượng nuôi như cá thát lát, cá rô, cá lóc. Hàng năm xuất đi nhiều, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, nếu dịch tạm ổn cũng quy hoạch vùng nuôi cá thát lát, tạo liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Đồng thời tiếp tục tập huấn khoa học kỹ thuật đến người dân, để dần dần người dân tạo ra sản phẩm cá thát lát sạch, đạt chuẩn VietGAP.

Để cá thát lát vươn xa, nông dân trụ được với nghề thì rất cần có sự quy hoạch vùng nuôi hợp lý, gắn với liên kết về đầu ra và chỉ khi sợi dây liên kết 4 nhà “Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp” được gắn kết thì mới phát triển toàn diện và bền vững, tránh điệp khúc “được mùa mất giá”.

Ngọc Hưởng (Báo Hậu Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem