Trong trận Việt Nam - Ả Rập Xê Út diễn ra tối 16/11 tại Việt Nam, kênh YouTube của FPT (đơn vị có bản quyền tiếp sóng trận đấu này) đã không thể kiếm được tiền vì lý do trận đấu dùng bản ghi Tiến quân ca do hãng đĩa nước ngoài sản xuất, cụ thể là Hãng đĩa Marco Polo. Đây là bản ghi mà hãng đĩa này bỏ tiền sản xuất và đã đăng ký bản quyền trên YouTube. Theo luật, bất kì ai muốn sử dụng bản ghi này thì phải xin phép nhà sản xuất.
Video trận đấu thuộc Vòng loại thứ 3 của World Cup 2022 giữa ĐT Việt Nam và Ả Rập Xê Út đăng tải trên kênh YouTube "FPT Bóng Đá Việt" đã bị Naxos Digital Services US (thay mặt cho Hãng đĩa Marco Polo) thông báo xác nhận sở hữu bản quyền bản ghi Quốc ca Việt Nam.
Đây là một trong những lí do khiến BH Media nhận định rằng, Next Media – đơn vị nắm bản quyền tiếp sóng trận Việt Nam – Lào hôm 6/12 trên YouTube đã chủ ý ngắt tiếng Quốc ca ở phần lễ chào cờ trước trận đấu vì sợ bị mất doanh thu. Điều này khiến dư luận hết sức bất bình và phẫn nộ. Cho đến thời điểm này, những tranh luận gay gắt liên quan đến bản quyền của Tiến quân ca - Quốc ca của Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ nếu bất kì ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi (mà đã thanh toán quyền tác giả) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi; bất kì ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất.
Tuy nhiên, thực tế là các đơn vị sản xuất bản ghi âm – ghi hình bài hát Tiến quân ca – Quốc ca đã thực sự làm đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ chưa thì mọi thứ vẫn đang rất nhập nhằng. Điều đáng nói, công ty nước ngoài có quyền được sử dụng bài hát Tiến quân ca – Quốc ca để thực hiện bản ghi âm – ghi hình hay không thì cần phải làm rõ.
Chia sẻ với Dân Việt, Luật sư Trần Anh Dũng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo luật là các đơn vị nước ngoài muốn sử dụng bài hát Tiến quân ca – Quốc ca để thực hiện bản ghi âm – ghi hình thì phải xin phép tác giả. Trường hợp này, khi nhạc sĩ Văn Cao đã tạ thế, gia đình đã hiến tặng ca khúc này cho Nhà nước và nhân dân thì Bộ VHTTDL sẽ là đơn vị quản lý quyền tác giả ca khúc.
"Bất cứ đơn vị nào muốn khai thác thương mại Tiến quân ca – Quốc ca đều phải xin phép. Tuy nhiên vấn đề này cũng phức tạp vì gia đình đã hiến tặng bài hát này theo di nguyện của cố nhạc sĩ Văn Cao. Theo tôi được biết khi nhạc sĩ Văn Cao còn sống thì ông cũng chưa bao giờ nhận bất kỳ một đồng tiền tác quyền nào đối với tác phẩm âm nhạc này. Nghĩa là việc "xài chùa" tác quyền ca khúc đã diễn ra nhiều năm mà không ai nêu vấn đề này ra nên mới có nhiều chuyện bi hài như thời gian qua", Luật sư Trần Anh Dũng nói.
Theo Luật sư Trần Anh Dũng, Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định rõ Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:
a) Làm tác phẩm phái sinh;
b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
c) Sao chép tác phẩm;
d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Chiếu theo các quy định trên, đơn vị nước ngoài không thuộc trường hợp được giới hạn quyền tác giả và nếu muốn thực hiện bản ghi âm – ghi hình Tiến quân ca – Quốc ca thì họ phải xin phép, trả tiền tác quyền.
Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ ghi rõ các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao:
1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:
a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;
b) Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;
c) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;
d) Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;
đ) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;
e) Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;
g) Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;
h) Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;
i) Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;
k) Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
3. Các quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, chương trình máy tính.
Như vậy, theo Luật sư Trần Anh Dũng, tiền tác quyền mà đơn vị nước ngoài phải trả khi sử dụng ca khúc Tiến quân ca – Quốc ca để thực hiện bản ghi âm – ghi hình là trả trực tiếp cho gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hoặc Bộ VHTTDL. Nhưng đơn vị này phải theo đúng quy trình là được cấp phép sử dụng xong mới tiến tới trả phí tác quyền theo quy định.
Sau khi họ hoàn thành bản ghi âm – ghi hình, thì đơn vị đó mới được xác lập quyền sở hữu. Cụ thể, mỗi bản ghi âm khi được phát hành sẽ chứa 2 loại quyền tách biệt là: Quyền bản ghi (Sound Recording) liên quan đến phần nhạc, hòa âm phối khí và âm thanh giọng hát có trong bản ghi âm; Quyền tác giả (Musical Composition) liên quan đến phần giai điệu, tiết tấu và lời của bài hát được sử dụng trong bản ghi âm. Theo luật bản quyền, hãng đĩa hoặc nhà sản xuất tạo ra bản ghi âm là người nắm giữ phần quyền bản ghi, còn nhạc sỹ - người sáng tác bài hát nắm giữ quyền tác giả hay còn gọi là tác quyền.
Quyền bản ghi hay quyền liên quan không bao gồm quyền tác giả của bản phối. Hòa âm phối khí là tác phẩm âm nhạc độc lập được bảo vệ quyền tác giả cao hơn quyền liên quan của bản ghi. Tuy nhiên trong trường hợp nhà sản xuất bỏ tiền thuê hòa âm thì họ có quyền tác giả (phần quyền tài sản) với hòa âm chứ đây không phải là quyền liên quan của bản ghi.
"Tôi cho rằng, các quy định cụ thể về bản quyền của Tiến quân ca – Quốc ca không cụ thể. Mà tôi thấy, nếu áp dụng quy định bài hát thông thường trong trường hợp này cũng không thỏa đáng. Theo tôi, cần có Luật hoá quy định riêng về việc quản lý, sử dụng Quốc ca, Quốc kỳ.
Vì giả sử, sau này hết thời hạn 50 năm, nếu hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả, thì ai muốn khai thác quốc ca thế nào cũng được. Lúc đó, mọi thứ sẽ trở nên rất lộn xộn và rối rắm. Điều lệ Quốc ca của mình ban hành lâu rồi và nó quy định quá chung chung về việc sử dụng trong lễ nghi, nhưng các quy định về các vấn đề khác thì không có", Luật sư Trần Anh Dũng nhấn mạnh.