Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam: Tắt tiếng phần hát Quốc ca trong trận đấu Việt Nam – Lào là phản cảm

Hà Tùng Long Thứ ba, ngày 07/12/2021 09:56 AM (GMT+7)
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học - nghệ thuật Việt Nam chia sẻ với Dân Việt rằng, tắt tiếng phần hát Quốc ca trong trận đấu Việt Nam - Lào tối 6/12 là phản cảm, không đúng.
Bình luận 0

Liên quan đến chuyện nhiều người tỏ ra bức xúc khi không nghe được phần hát Quốc ca trước trận đấu Việt Nam – Lào trong khuôn khổ AFF Suzuki cup tối 6/12 do đơn vị tiếp sóng trên nền tảng YouTube là Next Sports (Next Media) đã tự tắt tiếng vì sợ vi phạm bản quyền, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ với Dân Việt rằng, việc tắt tiếng phần hát Quốc ca của các cầu thủ Việt Nam trong một trận đấu lớn như thế rõ ràng đã tạo nên sự phản cảm.

Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam: Tắt tiếng phần hát Quốc ca trong trận đấu Việt Nam – Lào là phản cảm - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học - nghệ thuật Việt Nam. Ảnh: TL.

Người hâm mộ bóng đá nói riêng, dư luận nói chung tỏ ra bức xúc hoặc có sự phản ứng về điều này là đúng. Vì hát Quốc ca trong trường hợp này không chỉ là một thủ tục quan trọng trước trận đấu mà còn là một sự cổ vũ động viên và khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc đối với cầu thủ tham gia trận đấu lẫn những người xem bóng đá.

"Cần phải tìm hiểu rõ động cơ việc tắt tiếng phần hát Quốc ca trong trận đấu Việt Nam – Lào của đơn vị tiếp sóng là gì? Nếu là vì lỗi kỹ thuật thì cũng cần nói rõ để tìm giải pháp khắc phục. Nếu là chủ ý tắt vì sợ vi phạm bản quyền thì cũng cần phải nói rõ để còn tìm giải pháp đối thoại. Nhưng dù là với lí do gì thì việc Quốc ca đang vang lên mà bị ngắt tiếng giữa chừng như thế là rất phản cảm. Thậm chí, có thể nói là không đúng và sẽ gây nên nhiều phản ứng.

Nếu đơn vị tiếp sóng trận đấu trên nền tảng YouTube hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp và quy định của Việt Nam. Và càng là công dân, doanh nghiệp của Việt Nam thì càng phải tôn trọng những giá trị tinh thần đã trở thành niềm thiêng liêng của người Việt Nam.

Nếu đơn vị tiếp sóng là một công ty ở ngoài lãnh thổ Việt Nam và họ chiếu theo quy định riêng của họ thì chúng ta sẽ phải đàm phán với họ. Tất nhiên, việc đàm phán này phải do cơ quan quản lý nhà nước đại diện cho lĩnh vực văn hóa – thể thao hoặc lĩnh vực công nghệ số - truyền thông để đàm phán", Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam bày tỏ.

Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam: Tắt tiếng phần hát Quốc ca trong trận đấu Việt Nam – Lào là phản cảm - Ảnh 2.

Hình ảnh chụp cảnh các cầu thủ của Đội tuyển Việt Nam hát Quốc ca nhưng lại không có tiếng và nhạc trên kênh YouTube tiếp sóng. Ảnh chụp màn hình.

Không thể tùy tiện sử dụng Quốc ca và xác lập bản quyền

Trước câu hỏi: "Ông nghĩ gì về hiện tượng ca khúc Quốc ca hiện nay đang bị nhiều đơn vị tự ý sản xuất bản ghi âm – ghi hình rồi thiết lập quyền sở hữu gây nên nhiều bức xúc và cản trở các tổ chức lẫn cá nhân trong nhiều hoạt động?", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ: "Để giải quyết thật sự rốt ráo vấn đề này thì cần phải có sự soi chiếu giữa hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam, đặc biệt là Luật Sở hữu trí tuệ và cả những điều lệ khi chúng ta tham gia Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật.

Tất cả những cái đó sẽ là cơ sở để chúng ta xác định rõ, Quốc ca thuộc sự bảo hộ của Nhà nước nên khi sử dụng phải xin phép hay trở thành tác phẩm vô giá của tất cả mọi công dân mà ai cũng có thể sử dụng không cần xin phép. Không thể nhân danh một đơn vị truyền thông sản xuất bản ghi âm – ghi hình đó để xác lập quyền sở hữu như thế được.

Thực tế, Quốc ca không chỉ là một bản nhạc Lễ của Quốc gia mà còn là một tác phẩm âm nhạc, đã là tác phẩm âm nhạc thì phải có chủ sở hữu. Không thể để cho các đơn vị tùy tiện sản xuất bản ghi âm – ghi hình rồi đăng ký bản quyền, gây trở ngại được. Và các đơn vị nước ngoài muốn tiến hành thực hiện bản ghi âm - ghi hình cũng cần phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam. Nếu không xin phép mà đã tiến hành sản xuất bản ghi âm - ghi hình rồi tung gậy bản quyền là trái luật".

Trước đó, trên kênh YouTube của Next Sports khi tường thuật trận đấu Việt Nam - Lào đã đăng tải dòng thông báo: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị thông cảm”.

Nghĩa là bản tường thuật trận đấu trên YouTube, khán giả không thể nghe được cả quốc ca Lào lẫn quốc ca Việt Nam. Riêng phần tường thuật trực tiếp trên truyền hình, khán giả vẫn nghe được phần hát Quốc ca của hai đội tuyển bình thường.

Điều này khiến người hâm mộ bóng đá lẫn dư luận hết sức bức xúc, bày tỏ nhiều phản ứng tiêu cực. Nhiều ý kiến bày tỏ sự nghi ngờ đối với việc BH Media nhận sở hữu quyền tác giả với Tiến quân ca nên mới xảy ra câu chuyện không mấy vui vẻ này. Tuy nhiên, ngay sau đó, BH Media đã lên tiếng khẳng định, họ không không hề liên quan đến việc tắt nhạc phần hát Quốc ca trong trận đấu Việt Nam - Lào tối 16/2.

“Vụ việc các kênh YouTube tắt tiếng Quốc ca lần này không hề liên quan đến BH Media”, BH Media cho biết.

Mặc dù vậy, BH Media cũng đưa thêm thông tin để công chúng có thể hiểu hơn về việc tắt tiếng Quốc ca này. Theo BH Media, trong trận Việt Nam - Ả Rập Xê Út diễn ra tối 16/11 tại Việt Nam, kênh YouTube của FPT (đơn vị có bản quyền tiếp sóng trận đấu này) đã mất doanh thu vì trận đấu dùng bản ghi Tiến quân ca do hãng đĩa nước ngoài là Hãng đĩa Marco Polo sản xuất. Và lần này, trong trận đấu Việt Nam – Lào, do đơn vị tiếp sóng tự tắt tiếng Quốc ca để phòng xa, tránh bị mất doanh thu như kênh YouTube của FPT.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem