Đồng chí Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN; đồng chí Lê Minh Hoan – Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cùng dự và chủ trì Hội nghị ký kết.
Cùng dự hội nghị còn có các Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN: Phạm Tiến Nam, Đinh Khắc Đính, Bùi Thị Thơm, Nguyễn Xuân Định; lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị liên quan của Bộ NNPTNT; đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị T.Ư Hội NDVN.
Dự hội nghị còn có sự tham dự trực tuyến của lãnh đạo Sở NNPTNT và Hội ND của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: Từ nhiều năm nay, nông nghiệp nước ta đã được đánh giá là "Trụ đỡ của nền kinh tế", nhất là khi đất nước có những biến động xã hội, nông nghiệp càng có vị trí, vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh của đất nước.
Nghị quyết số 26-NQ/TW nêu quan điểm: Trong mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển và xây dựng nông thôn mới".
Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: Xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp nông dân, chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: "Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không đi đến di cư quy mô lớn. Huy động và phát huy mọi nguồn lực từ nông dân, nông thôn cùng với các nguồn lực khác để thực hiện thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh".
Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm: "Trong mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Nông dân là chủ thể, là trung tâm; nông thôn là nền tảng; nông nghiệp là động lực".
Tiếp cận những quan điểm đó để thấy rằng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước và Hội Nông dân Việt Nam – với tư cách là tổ chức chính trị-xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam rất cần thiết phải tăng cường phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong giai đoạn mới.
Để tránh hình thức, chương trình phối hợp xác định 5 nhóm nội dung rất cụ thể cần được quan tâm chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn tới. Đó là:
Một là, phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp. Trong đó chú trọng: Đẩy mạnh ứng dụng KHCN sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Đăng ký và quản lý mã vùng trồng và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát vật tư nông nghiệp. Công tác bảo đảm An toàn vệ sinh thực phẩm.
Hai là, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ba là, phối hợp trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó chú trọng: Thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường nông thôn. Phát triển sản phẩm OCOP và du lịch nông nghiệp nông thôn.
Bốn là, tổ chức hiệu quả hoạt động đào tạo nghề, huấn luyện nông dân nhằm nâng cao năng lực cộng đồng, vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
Năm là, phối hợp trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân, tổ chức các diễn đàn nông nghiệp và giới thiệu, tôn vinh hình ảnh người nông dân thế hệ mới.
Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn cho biết: Lãnh đạo Bộ NNPTNT và T.Ư Hội NDVN cũng thống nhất giao nhiệm vụ cho 10 đơn vị đầu mối của hai Cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu và tổ chức thực hiện từng nhóm nội dung, giải pháp trong chương trình phối hợp.
Chương trình phối hợp này bên cạnh việc xác định một số nội dung cụ thể mà các đơn vị chức năng của T.Ư triển khai thực hiện, cũng thể hiện sự chỉ đạo, dẫn dắt của Lãnh đạo Bộ NNPTNT và Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN để ngành NNPTNT và Hội ND các cấp xây dựng chương trình phối hợp triển khai các hoạt động liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại địa phương.