Bộ Giao thông Vận tải vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ chở khách quốc tế vào Việt Nam từ ngày 15/12/2021, với 2 giai đoạn đang được nhiều hành khách quan tâm.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất 2 giai đoạn thí điểm. Giai đoạn 1 hai tuần từ thời điểm áp dụng, dự kiến bắt đầu thực hiện từ 15/12/2021. Giai đoạn 2 thực hiện trong thời gian 1 tháng kể từ khi kết thúc giai đoạn 1, dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2022.
Tuy nhiên, việc mở lại các đường bay quốc tế trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 tại các địa phương đang tăng cao và xuất hiện của biến thể Omicron là một rào cản "đe doạ" tới kịch bản mở lại đường bay của các hãng hàng không.
Để có cơ sở báo cáo, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền về đảm bảo tăng tần suất bay của các hãng hàng không an toàn phòng chống dịch bệnh, Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cũng đang lấy ý kiến của các hãng hàng không, doanh nghiệp hàng không, các Cảng Hàng không, sân bay để bổ sung giải pháp thích ứng đảm bảo an toàn khai thác bay trong tình hình mới.
Trao đổi với PV Dân Việt về giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch và mở lại các đường bay quốc tế, TS. Nguyễn Văn Phúc, Viện trưởng Viện Kinh tế xã hội và Công nghệ - Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết: "Để mở lại các chuyến bay quốc tế cần phải có ý kiến của Bộ Y tế về phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch và ngăn ngừa lây lan dịch bệnh".
TS. Phúc cho rằng: "Lây lan dịch bệnh tức là lây từ người này sang người khác, do đó, cách thức ngăn ngừa thì phải do Bộ Y tế, cách thức tổ chức lại do ngành hàng không bao gồm: Cục Hàng không, sân bay, các hãng hàng không, doanh nghiệp dịch vụ hàng không".
Theo TS. Phúc, nói là mở cửa ngành hàng không, nhưng thực tế bản chất là mở cửa nền kinh tế. Tất nhiên, các hãng hàng không sẽ có lợi, nhưng chỉ là một phần nhỏ trong một chuỗi phát triển kinh tế - xã hội mà thôi, bản chất là "cứu" nền kinh tế.
Tại sao lại nói là "cứu" nền kinh tế, bởi khách hàng không quốc tế ngoài những người đi du lịch sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch có doanh thu, còn có những doanh nhân, nhà đầu tư quốc tế. Đây là, những người hoạt động làm ăn kinh doanh họ vào Việt Nam để đầu tư kinh tế.
Như vậy, ngành hàng không chỉ có lợi về việc vận chuyển khách thôi, chứ các doanh nghiệp du lịch và các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam mới là đơn vị được hưởng lợi.
"Do đó, nếu vì lợi ích của nền kinh tế thì cần phải sớm mở lại các chuyến bay quốc tế. Tuy nhiên, không phải mở ồ ạt mà phải mở có kiểm soát đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh", TS. Phúc phân tích.
Cũng theo TS. Phúc, thị trường hàng không bận rộn, sân bay nhộn nhịp thì các doanh nghiệp khác của ngành hàng không cũng sẽ bận rộn theo. Từ đó, các ngành nghề khác cũng sẽ đi vào chuỗi hoạt động sản xuất ổn định.
"Như tôi đã nói ở trên, để mở lại các chuyến bay quốc tế đầu tiên phải có ý kiến của Bộ Y tế đưa ra những quy trình kiểm soát dịch bệnh, vì không có ngành nào làm thay Bộ Y tế được. Tiếp đó, là Bộ GTVT, Cục Hàng không và các hãng hàng không", TS. Phúc cho hay.
Từng trao đổi với PV Dân Việt về việc hành khách tới Việt Nam cần phải đáp ứng các yêu cầu gì trong phòng chống dịch? TS. Đặng Quang Tấn – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: "Có mấy tiêu chí cơ bản hành khách tới Việt Nam cần lưu ý".
Thứ nhất là khách du lịch phải tiêm đủ vaccine, đủ mũi, mũi thứ 2 phải đủ 14 ngày. Tất cả những điều này có thể có trong "hộ chiếc vaccine". Việt Nam cũng đang thúc đẩy quá trình công nhận giấy chứng nhận vaccine giữa các quốc gia.
Thứ 2 là du khách khi vào Việt Nam cần có xét nghiệm âm tính Covid -19 trong vòng 72 tiếng trước khi vào Việt Nam. Trường hợp mắc bệnh đã khỏi phải có giấy chứng nhận mắc bệnh trong vòng 6 tháng trước ngày tới du lịch.
Thứ 3 là, khách tới Việt Nam cần phải khai báo y tế; có bảo hiểm y tế. Khi có trường hợp bất thường thì điều trị, chăm sóc ngay lập tức.
Bên cạnh đó, tại các điểm du lịch, điểm tiếp đón hành khách cần phải đáp ứng điều kiện phòng chống dịch. Ví dụ: Trong phạm vi được du lịch cần bố trí cán bộ y tế để theo dõi thân nhiệt, y tế, vấn đề chuyên môn. Đồng thời cung cấp số đường dây nóng cho khách hàng, khi có vấn đề thì ghi nhận để xử lý, cung cấp thông tin kịp thời cho khách hàng.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân, du khách cần phải khai báo y tế trước khi đến bất cứ địa điểm nào. Hiện nay người dân, và du khách có thể khai báo điện tử, hoặc khai báo trực tiếp bằng giấy.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất 2 giai đoạn thí điểm. Trong giai đoạn 1 (hai tuần từ thời điểm áp dụng, dự kiến bắt đầu thực hiện từ 15/12/2021), tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường có hệ số an toàn cao gồm Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Hoa Kỳ).
Theo Bộ GTVT, đây là các thị trường có quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị đối ngoại quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam, có số lượng lớn các nhà đầu tư, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao nước ngoài có nhu cầu sang làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Trong giai đoạn 2 (thực hiện trong thời gian 1 tháng kể từ khi kết thúc giai đoạn 1, dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2022).
Bộ GTVT cũng kiến nghị mở thêm các đường bay đi/đến Kuala Lumpur (Malaysia), Hongkong, Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sidney (Australia), Moscow (Nga). Các thị trường được mở rộng này cũng là các đối tác hợp tác quan trọng với nhiều hoạt động hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa, du lịch với Việt Nam cũng như có số lượng lớn người lao động và du học sinh Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc.