Thông tin trên được Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) và VASEP đưa ra tại Hội nghị trực tuyến "Giải pháp phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và kế hoạch triển khai năm 2022" chiều 9/12.
Ngành hàng cá tra "bứt tốc" dịp cuối năm
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Ðào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP, năm 2021 ngành thủy sản bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19, trong đó, ngành hàng cá tra "dễ bị tổn thương" nhất.
Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh ở TP. HCM và 18 tỉnh, thành – khu vực trọng điểm chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam, gây sụt giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu sang nhiều thị trường chính từ tháng 8/2021. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 thì đã tháo gỡ nhiều khó khăn, ngành thủy sản đã phục hồi rất nhanh, trong đó có cá tra.
Nếu như tháng 9 và 10/2021 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt lần lượt 82 và 136 triệu USD, thì bước sang tháng 11 đã "bứt tốc" đạt 227 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ 2020. Trong đó thị trưởng Mỹ đạt chiếm 22% và Trung Quốc chiếm 28% tỷ trọng xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Brazil và Mexico là những thị trường có tăng trưởng tích cực, bù đắp sụt giảm những thị trường chủ lực.
Với những tín hiệu tích cực trên, bà Hằng dự báo xuất khẩu cá tra năm 2021 sẽ cán đích khoảng 1,54 tỷ USD, tăng nhẹ 3% so với năm 2020.
Cũng theo bà Hằng, dự báo ngành hàng cá tra năm 2022 sẽ phục hồi nhẹ với mức tăng trưởng khoảng 7%, đạt 1,65 tỷ USD.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện giá bán cá tra thương phẩm dao động trong khoảng 20.000 - 24.000 đồng/kg (size cá từ 0,8 - 1,2kg).
Kim ngạch xuất khẩu cá tra tính đến 15/11 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ 2020.
Doanh nghiệp kiến nghị nhiều vấn đề "nóng"
Bà Ngô Vi Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, giá bán cá tra trong tháng 11 đang tăng trở lại, "tình hình rất khả quan".
Về những thách thức năm 2022, bà Tâm cho rằng, ngoài sự tác động của dịch Covid-19 thì giá thành thức ăn vẫn tăng "nóng", thiếu lao động, chi phí điện, nhân công tăng cao.
"Vừa rồi các doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ giảm tiền điện cho khu vực chế biến. Còn đối với ở vùng nuôi không được giảm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến người nuôi cá tra. Tôi kiến nghị Bộ NNPTNT có ý kiến với các Bộ, ngành để hỗ trợ giảm tiền điện đối với các vùng nuôi.", bà Tâm nói.
Bà Tâm cũng kiến nghị Bộ NNPTNT tiếp tục có chương trình hỗ trợ về con giống, trong đó có cá tra hậu bị để có nguồn con giống có chất lượng tốt hơn.
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hùng Cá cũng đề nghị các tỉnh hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp để có cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất về quy hoạch vùng nuôi.
"Nông dân, doanh nghiệp muốn nuôi cá tra thì địa phương yêu cầu quy mô 50ha trở lên mới làm được quy hoạch. Bởi vậy, kiến nghị Bộ NNPTNT cùng với các địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân và doanh nghiệp để nuôi và mở rộng vùng nuôi cá tra", ông Hùng nói.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành cá tra có lợi thế, quy mô lớn và chuỗi sản xuất hoàn thiện. Vấn đề là nâng cao giá trị các thành phần như: nuôi, chế biến, thương mại...
Để khắc phục khó khăn và sớm phục hồi trở lại, các đơn vị phối hợp địa phương, doanh nghiệp triển khai tốt quy hoạch. Cơ cấu giống gắn với nuôi thương phẩm cho phù hợp. Sản xuất gắn với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, cần có bước chủ động, quan tâm phát triển thị trường, định hướng sản xuất, cùng với đó các địa phương tiếp tục đẩy mạnh liên kết.
Theo số liệu thống kê trên phần mềm dulieucatra.gov.vn của Bộ NNPTNT, diện tích thả nuôi cá tra phát sinh trong 11 tháng đầu năm 2021 đạt 4.830,6 ha (tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2020). Ước diện tích thả nuôi phát sinh trong năm 2021 đạt 5.000 ha (tăng 5,5% so với năm 2020).
Trong 03 tháng 7, 8, 9 năm 2021 (là các tháng thực hiện giãn cách xã hội do Covid-19), diện tích thả nuôi cá tra đã giảm rất mạnh, khoảng 50% so với các tháng đầu năm, trừ tháng 02 do Tết âm lịch.
Sản lượng cá tra thu hoạch 11 tháng đầu năm 2021 đạt 1,3 triệu tấn (giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2020). Ước sản lượng thu hoạch cả năm 2021 đạt 1,5 triệu tấn.