Đảm bảo đủ nguồn cung
Cùng chung với nhịp điệu hối hả, chuẩn bị tốt nhất cho đợt bán hàng phục vụ Tết Nguyên đán đang đến gần, ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho hay: 250ha rau vụ đông trồng các loại đang sinh trưởng, phát triển tốt. Thu hoạch đến đâu, HTX trồng gối vụ đến đó, mỗi ngày đưa ra thị trường 30-50 tấn rau xanh các loại. Trong đó, 70% lượng rau cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, còn lại tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố.
Ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc HTX Hoàng Long (huyện Thanh Oai) cũng cho biết HTX đang nuôi 500 lợn nái, 5.000 lợn thịt, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường hơn 2 tấn thịt lợn và 5 tấn sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Dự kiến trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, HTX có thể cung cấp 100-150 tấn thịt cho người tiêu dùng Thủ đô.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến thông tin, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị cũng như yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất, tính toán sản lượng hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (từ nay đến hết quý I/2022), tính toán kỹ cung - cầu để lên phương án sản xuất cụ thể.
Không chỉ các đơn vị sản xuất, các doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm của Hà Nội cũng đang tập trung ký kết hợp đồng với HTX, trang trại để chuẩn bị nguồn cung cho thị trường cuối năm.
Theo ông Đào Quang Vinh - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín), lò giết mổ của công ty đang hoạt động với công suất 100 con/ngày, trung bình mỗi ngày cung cấp hơn 10 tấn thịt lợn cho thị trường và các tháng cuối năm có thể tăng thêm 20-30%.
Về năng lực sản xuất của Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NNPTNT - Tạ Văn Tường nhận định, trong các tháng cuối năm, Hà Nội cơ bản có thể bảo đảm được nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô.
Cụ thể, sản lượng thu hoạch vụ mùa 2021 ước đạt khoảng 265.000 tấn gạo. Mỗi ngày, thành phố cung ứng được 1.400 - 1.500 tấn rau, củ các loại cho tiêu dùng. Sở NNPTNT đang hướng dẫn các địa phương trồng thêm 1.000ha chuối, bưởi, ổi... (diện tích đang có là 12.347ha).
Đồng thời, Hà Nội sẽ duy trì, phát triển tổng đàn vật nuôi trâu, bò 27.000 con; lợn 1,6 triệu con trở lên; gia cầm 40 triệu con, phát triển thêm 600ha nuôi trồng thủy sản (lên 24.000ha). Nhìn chung, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cơ bản được kiểm soát, nên chưa có thiệt hại lớn trong quá trình sản xuất.
Ngành nông nghiệp dự báo, từ nay đến cuối năm, thời tiết diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi rất lớn, do vậy các địa phương cần khuyến cáo nông dân sản xuất theo hướng an toàn.
Nắm cơ hội "vàng"
Phục vụ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, từ cuối tháng 9 âm lịch, các doanh nghiệp, HTX, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã vào con giống mới. Đây được xem là cơ hội "vàng" để các đơn vị, cơ sở sản xuất, chăn nuôi đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng tiêu thụ nhằm cải thiện doanh thu sau thời gian dài gặp khó về đầu ra, giá lợn, gia cầm giảm mạnh.
Chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để cung ứng cho dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lứa gà mới vào gần đây của HTX Nuôi trồng thủy sản sạch Ngọc Lâm tăng số lượng đàn nuôi lên 50% so với những lứa nuôi trước và dự kiến sản lượng gà tiêu thụ trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022 đạt khoảng 500 tấn.
Ông Phan Văn Đô - Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản sạch Ngọc Lâm cho biết: Những tháng gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, các nhà hàng, khách sạn, trường học liên tục phải đóng cửa khiến lượng gà tiêu thụ bị giảm mạnh.
Giá gà cũng giảm đáng kể so với trước đây khiến cho HTX gặp nhiều khó khăn. Hy vọng vào sự phục hồi thị trường những tháng cuối năm, từ đầu tháng 9 âm lịch, khi vào lứa gà mới, HTX đã đa dạng hoá chủng loại đàn nuôi để đáp ứng nhu cầu nhiều nhóm đối tượng khách hàng.
Còn tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam (xã Bối Cầu, huyện Bình Lục), do giá lợn hơi xuống thấp nhiều tháng nay, hoạt động mua bán tại chợ diễn ra thưa thớt. Anh Nguyễn Văn Thắng (ở thôn 1, xã Bồ Đề, Bình Lục) - thương lái tại chợ cho biết: Khoảng 2 tháng nay, gần như tôi phải tạm dừng việc nhập lợn về chợ bán vì dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại nhiều địa phương và giá lợn hơi xuống thấp. Hiện nay, gia đình tôi nuôi hơn 1.000 con lợn thịt để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (tăng 40% so với các lứa nuôi trước).
Để bảo đảm an toàn cho đàn lợn và kịp thời gian xuất bán dịp cận tết, gia đình tôi rất chú trọng đến công tác phòng dịch, đồng thời tăng cường chế độ dinh dưỡng cho đàn lợn. Thời điểm này, tôi đã kết nối với các đơn vị chuyên cung cấp nguồn lợn với số lượng lớn trong và ngoài tỉnh để thu mua lợn, bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Ông Đỗ Mạnh Hà - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NNPTNT Hà Nam) khẳng định: Từ nay đến cuối năm, tình hình sản xuất chăn nuôi sẽ còn gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ thực phẩm, trong khi giá thức ăn, vật tư chăn nuôi vẫn tiếp tục tăng cao, giá bán sản phẩm đầu ra giảm…
Tuy nhiên, với quy mô đàn lợn đạt trên 370.000 con, đàn gia cầm đạt khoảng 8,2 triệu con, tổng đàn trâu, bò đạt gần 37.000 con sẽ cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong tỉnh dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.