Dân Việt

Vì sao nông dân ở vùng này của tỉnh Quảng Trị lại xây chuồng lợn cao tới 2m?

Ngọc Trang 10/12/2021 06:00 GMT+7
Nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, thời gian qua, người dân vùng thấp lũ ở huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) đã có sáng kiến xây dựng chuồng trại chống lũ cho đàn gia súc, gia cầm.

Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc bảo vệ tài sản, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Vì sao nông dân ở vùng này của tỉnh Quảng Trị lại xây chuồng lợn cao tới 2m? - Ảnh 1.

Nhiều hộ dân ở huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) đầu tư xây dựng chuồng lợn cao ráo nhằm đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi khi có lũ lụt xảy ra - Ảnh: N.T

Xã Triệu Giang có khoảng 20 hộ dân xây dựng chuồng cao tránh lũ cho đàn vật nuôi. Mô hình này nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi và phòng bệnh cho đàn gia súc sau lũ. 

Do đó, chính quyền xã Triệu Giang đã tích cực vận động người dân xây dựng mô hình nhà chống lũ để chăn nuôi bền vững và thu nhập ổn định.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Giang Lê Thị Hồng Nhung cho biết: “Đối với xã Triệu Giang là vùng thấp trũng, mỗi năm hứng chịu 2 - 3 trận lũ gây ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi của người dân. Được sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, chúng tôi triển khai thực hiện các kế hoạch vận động, tuyên truyền nông dân xây dựng chuồng trại cao.

Xây chuồng trại cao khi mùa lụt về vẫn tiếp tục chăn nuôi, duy trì thu nhập, góp phần giảm thiệt hại trong chăn nuôi. Nhờ vậy, nhiều hộ mạnh dạn vay vốn, học tập kinh nghiệm để xây dựng chuồng trại chống lũ”.

Ngoài trồng lúa, để nâng cao thu nhập, nhiều năm qua gia đình chị Hồ Thị Duyết, ở thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang còn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. 

Ở địa phương, năm nào lũ về, nước dâng cao là người chăn nuôi lại bị thiệt hại nặng nề do vật nuôi bị cuốn trôi hoặc chết. Rút kinh nghiệm, từ năm 2015 gia đình chị Duyết quyết định vay vốn làm chuồng trại chống lũ cho lợn cách mặt đất trên 2m, được xây dựng trên các trụ bê tông cốt thép rất chắc chắn, đảm bảo thoáng mát và an toàn. 

Trong chuồng được chia làm nhiều ngăn nhỏ, mỗi ngăn thả nuôi từ 5 - 10 con lợn thịt. Lối lên xuống chuồng cũng được đúc xi măng, thuận tiện để di chuyển gia súc. Bên cạnh đó, máng ăn, vòi nước và hệ thống vệ sinh chuồng trại được thiết kế bán tự động. Trên chuồng còn có ngăn dự trữ thức ăn dành cho lợn, gà, vịt.

Chị Duyết chia sẻ: “Từ ngày xây chuồng chống lũ, tôi rất yên tâm vì đàn vật nuôi được bảo vệ an toàn. Do đó, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư phát triển đàn lợn. Bình quân mỗi lứa, nuôi từ 50 - 100 con lợn thịt và 4 - 6 con lợn nái. Có chuồng trại cao ráo để chăn nuôi, thu nhập của gia đình tôi đảm bảo hơn, cả những năm có lũ lớn ”.

Hằng năm mỗi khi mưa lũ đến, các địa phương nằm ven sông Thạch Hãn và sông Vĩnh Định thuộc địa bàn huyện Triệu Phong thường xuyên bị ngập sâu, gây ảnh hưởng lớn đến việc chăn nuôi của người dân. Do đó, việc đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi cao để tránh lụt ở Triệu Phong là giải pháp thiết thực, hạn chế thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người chăn nuôi.

Không riêng xã Triệu Giang, nhiều người dân ở các địa phương khác vùng thấp lụt trên địa bàn huyện Triệu Phong như Triệu Long, Triệu Thành, Triệu Thượng… cũng đã đầu tư xây dựng chuồng trại cao ráo để tránh lũ cho đàn vật nuôi. 

Những hộ dân xây dựng chuồng trại chống lũ còn được quan tâm hỗ trợ kiến thức về chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Từ một vài mô hình tự phát, đến nay toàn huyện có khoảng 200 chuồng trại chống lũ, một số hộ dân có điều kiện đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng chuồng trại quy mô.

Để xây dựng một chuồng chống lũ an toàn, cần đầu tư kinh phí từ 20 - 50 triệu đồng. Do đời sống còn khó khăn nên mặc dù rất muốn thực hiện mô hình quy mô hơn nhưng nhiều người chăn nuôi ở địa phương không có điều kiện triển khai.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Thượng Lê Kim Cận cho biết: “Lâu nay theo thói quen, phần lớn người dân trong xã làm chuồng trại chăn nuôi ở vị trí thấp. Do đó, mỗi khi có lũ lớn xảy ra, thường bị thiệt hại rất lớn về đàn vật nuôi. Để giúp nông dân bảo vệ đàn gia súc, gia cầm an toàn hơn, thời gian qua, hội tích cực tuyên truyền, vận động người dân xây dựng chuồng trại ở vùng cao ráo, đặc biệt đối với những nơi thường xuyên lũ lụt thì nên xây chuồng chống lũ...".

Theo ông Cận, một số hội viên có điều kiện đã xây dựng chuồng trại chống lũ vừa an toàn cho gia súc, gia cầm, vừa đảm bảo thu nhập của gia đình. Mặc dù nhiều hộ nông dân rất muốn xây dựng chuồng trại chống lũ cho đàn vật nuôi nhưng họ không đủ kinh phí. 

Do đó, Hội Nông dân xã đề nghị các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng chuồng trại chống lũ.\

Hội cũng kêu gọi các chương trình, dự án hỗ trợ những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh phí xây dựng chuồng trại chống lũ, giúp người dân yên tâm chăn nuôi mỗi khi vào mùa lũ lụt...

Phó Trưởng Phòng NNPTNT huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) -ông Hoàng Quang Dưỡng cho biết: “Hiện nay, các hộ xây dựng chuồng cao chống lũ cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện còn ít, dân tự đầu tư vốn là chủ yếu. Thời gian tới, đơn vị đề xuất các ngành chức năng cần có chủ trương hỗ trợ để những nông dân ở vùng thấp trũng có điều kiện xây dựng chuồng trại cao ráo, đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn trong mùa lũ, thoáng mát về mùa hè, phòng, chống được dịch bệnh cho đàn vật nuôi, góp phần mang lại giá trị kinh tế cho ngành chăn nuôi trên địa bàn”.