Theo Khoản 1, Điều 21, Luật Giao dịch điện tử Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký
Nói một cách khác, chữ ký điện tử là một thông tin (có thể là hình ảnh, âm thanh, văn bản, video…) đi kèm dữ liệu để xác minh chủ sở hữu của dữ liệu đó. Tuy nhiên các câu hỏi đặt ra là:
Làm thế nào để đảm bảo được chữ ký điện tử đó không phải là giả mạo?
Làm thế nào để biết dữ liệu đc ký điện tử đó là toàn vẹn, chưa bị sửa đổi kể từ khi người gửi khởi tạo ra?
Làm thế nào để người ký không chối bỏ được nội dung đã ký?
Tất cả những câu hỏi trên chỉ có thể giải quyết được bằng chữ ký số.
Chữ ký số là một dạng của chữ ký điện tử. Khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số định nghĩa như sau:
" Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:
Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;
Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên."
Khi người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chũ ký số sẽ cung cấp cho người dùng một chứng thư số và một cặp khóa gồm khóa công khai và khóa bí mật. Khóa bí mật sẽ được lưu trong thiết bị lưu khóa đủ đảm bảo an toàn nếu như bị mất/đánh cắp cũng sẽ khó khăn để bị lộ còn khóa công khai sẽ được công bố công khai trên ở trong chứng thư số trên hạ tầng khóa công khai của nhà cung cấp dịch vụ.
Khi ký số, người dùng sử dụng khóa bí mật đăng nhập và các thuật toán được cài đặt sẵn sẽ tạo ra chữ ký số thông qua một hệ thống mật mã đảm bảo an toàn. Dữ liệu sau khi được ký số sẽ không thể thay đổi, bất kỳ một sự thao đổi nào trên dữ liệu đều dễ dàng bị phát hiện. Người ký sẽ không thể chối bỏ trách nhiệm pháp lý với dữ liệu mình ký do chữ ký số hình thức chữ ký điện tử duy nhất được công nhận giá trị pháp lý hiện nay, có giá trị như chữ ký tay và con dấu (đối với trường hợp là tổ chức)
Ứng dụng chữ ký số trong các hoạt động giao dịch điện tử đã và đang trở nên phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Hầu hết các giải pháp Chính phủ điện tử và Thương mại điện tử ở các nước tiên tiến đều ứng dụng chữ ký số.
Tại Việt Nam, chữ ký số được xác định là giải pháp quan trọng để đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu, tính xác thực và tính chống chối bỏ trong các giao dịch điện tử phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của Cơ quan nhà nước; triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp; cũng như các hoạt động phát triển Thương mại điện tử.
Theo quy định tại Luật giao dịch điện tử 2005 thì chữ ký số có thể được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực bao gồm giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên Luật cũng quy định các lĩnh vực không áp dụng đối với các hoạt động gồm: việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.
Các lĩnh vực đã và đang ứng dụng thực tiễn hiện nay bao gồm ký số trong hợp đồng kinh tế; Ký số trong kê khai, nộp thuế trực tuyến, khai báo hải quan và thông quan trực tuyến… Trong các doanh nghiệp, chữ ký số là công cụ hữu hiệu trong giao dịch với các cơ quan nhà nước thông qua các dịch vụ công trực tuyến, giao dịch với các đối tác và khách hàng của mình. Việc ứng dụng chữ ký số giúp tiết kiệm chi phí (chi phí mua giấy in, mực in, chi phí và thời gian gửi văn bản); giảm thiểu sức lao động trong công tác quản lý, bảo mật dữ liệu cá nhân và dữ liệu chuyên môn; giảm thời gian, tiết kiệm chi phí đi lại của người dân và doanh nghiệp; quan trọng nhất là minh bạch hóa thông tin, làm thay đổi phương pháp, tác phong công tác, phương thức làm việc...
Trong các cơ quan nhà nước, chữ ký số cũng được sử dụng để trao đổi văn bản nội bộ và giữa các cơ quan với nhau. Chữ ký số được tích hợp vào các hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành để phục vụ các hoạt động sử dụng, trao đổi văn bản điện tử, trục liên thông văn bản quốc gia,… góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các cơ quan nhà nước.
Chuyển đổi số trong những năm gần đây đang là một vấn đề đươc quan tâm nhất trên cả nước. Chữ ký số với các đặc điểm đảm bảo tính xác thực, tính toàn vẹn của dữ liệu và chống chối bỏ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong đó việc cải cách thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục hành chính online nhanh gọn.
Không chỉ vậy, chữ ký số giúp các thủ tục trở nên nhanh gọn khi không cần trực tiếp ký tay. Nó được dùng để thay thế chữ ký tay trong tất cả các trường hợp giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước: phát hành hóa đơn điện tử, nộp báo cáo thuế qua mạng hay ký số các văn bản, đóng bảo hiểm xã hội, ký kết hợp đồng điện tử… Theo đó, chữ ký số còn giúp người sử dụng tiết kiệm thời gian, giảm chi phí vận hành, chi phí di chuyển.
Dịch Covid-19 trong 2 năm qua cũng đang diễn biến phức tạp, giải pháp sử dụng chữ ký số người sử dụng hoàn toàn có thể ký kết hợp đồng điện tử từ xa mà vẫn đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng. Vì vậy, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chữ ký số và các lĩnh vực liên quan là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, những cá nhân, tổ chức cần tìm hiểu kĩ thông tin về chữ ký số từ nghị định đến thực tế để ứng dụng hiệu quả vào các lĩnh vực trong đời sống.