Như Dân Việt đã thông tin, ngày 13/12, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thực hiện lệnh bắt giam 4 tháng đối với đại úy Nguyễn Doãn Tú, cán bộ ở một phân trại thuộc Trại giam Thủ Đức (Z30D), Bộ Công an và di lý vào TP HCM.
Theo lệnh bắt tạm giam, Nguyễn Doãn Tú đã có hành vi "dùng nhục hình" đối với một phạm nhân đang thi hành án phạt tù khi đưa phạm nhân này đi lao động và phạm nhân này đã làm đơn tố cáo.
Việc khởi tố, bắt giam đã được Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Trại giam Z30D thực hiện đúng quy trình tố tụng và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Tội dùng nhục hình (Điều 373) mà ông Nguyễn Doãn Tú vừa bị khởi tố thuộc nhóm tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp được quy định tại Chương XXIV Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, bao gồm 24 tội danh (từ Điều 368 đến Điều 391).
Trong nhóm tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì Tội dùng nhục hình nằm ở nhóm các tội phạm mà người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc trong lĩnh vực khác (có 14 tội thuộc nhóm này) bao gồm từ Điều 368 đến Điều 379, Điều 381 và Điều 385.
Theo luật sư Hòe, Tội dùng nhục hình mà ông Nguyễn Doãn Tú vừa bị khởi tố có mức phạt thấp nhất là 6 tháng đến 3 năm (khoản 1) và cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4). Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Phân tích về tội danh, vị luật sư cho biết, tội phạm này xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người tham gia tố tụng, làm giảm uy tín của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát Tòa án và Cơ quan thi hành án.
Mặt khách quan của tội phạm là người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có thể thực hiện một trong các hành vi dưới đây.
Cụ thể: Tra tấn, đánh đập, bắt nhịn ăn, nhịn uống, hỏi cung suốt ngày đêm, hoặc có hành vi khác gây đau đớn về thể xác và tinh thần đối với người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù trong các trại giam hoặc những người tham gia tố tụng khác…
Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, chỉ cần người phạm tội thực hiện hành vi dùng nhục hình là tộị phạm đã hoàn thành.
Người phạm Tội dùng nhục hình thực hiện các hành vi phạm tội của mình là do lỗi cố ý, tức là người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc chỉ thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Theo luật sư Hòe, chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mới có thể thực hiện được tội phạm này.
Cụ thể là Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát; Chánh án, Phó chánh án Tòa án; Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án, các cán bộ trong các nhà Tạm giữ, Trại tạm giam.