Dân Việt

Vì sao Tiến Linh và nhiều tiền đạo trở thành "pháo xịt" ở AFF Cup 2020?

Hữu Hiệp 15/12/2021 14:10 GMT+7
AFF Cup 2020 đã đi được phân nửa chặng đường vòng bảng nhưng chưa có chân sút nào cho thấy màn trình diễn vượt trội.

Phải chăng, bóng đá Đông Nam Á đang thiếu những tiền đạo đẳng cấp?

Tiền đạo giỏi “như lá mùa thu”

Một nửa chặng đường vòng bảng AFF Cup 2020 đã trôi qua mà không có bất ngờ nào xảy ra. Các đội bóng được đánh giá cao hơn đều giành kết quả có lợi.

Một số cái tên như Lào, Đông Timor hay Campuchia dù rất nỗ lực nhưng không thể làm khó các đối thủ mạnh.

Vì sao Tiến Linh và nhiều tiền đạo trở thành "pháo xịt" ở AFF Cup 2020? - Ảnh 1.

Tiến Linh chưa có cảm giác thi đấu tốt nhất tại AFF Cup 2020. Ảnh: SPORT

Tuy nhiên, nhìn vào phần đã qua của AFF Cup 2020, thật khó để tìm ra những điểm nhấn về chiến thuật. Đặc biệt, người hâm mộ dễ dàng thấy rõ sự khan hiếm tiền đạo xuất sắc, đủ sức xoay vần cục diện trận đấu.

Hầu hết những tiền đạo được kỳ vọng nhất như Nguyễn Tiến Linh (Việt Nam), Supachok (Thái Lan), Bienvenido Maranon (Philippines), Win Naing Tun (Myanmar) hay Billy Ketkeophomphone (Lào) đều chưa để lại dấu ấn nếu không muốn nói là chơi quá mờ nhạt.

Theo đánh giá của HLV Triệu Quang Hà, nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do ảnh hưởng của dịch bệnh, các nền bóng đá trong khu vực không có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi vào giải.

“Chất lượng chuyên môn ở giải năm nay không cao và khâu làm bàn cũng nằm trong bức tranh chung đó. Thật khó yêu cầu họ chơi tốt khi suốt hai năm qua thi đấu bập bõm, thậm chí có cầu thủ cả mùa chỉ đá vài trận”.

Nhưng không cần phải chờ tới AFF Cup 2020, lâu nay bóng đá Đông Nam Á vẫn thiếu chân sút giỏi.

Sau những cái tên có tầm ảnh hưởng lớn như Kiatisak, Dangda (Thái Lan) hay Lê Huỳnh Đức, Lê Công Vinh (Việt Nam)… mỏi mắt đi tìm cũng không thấy tiền đạo nào thực sự đẳng cấp, ổn định ở khu vực này.

Chẳng nói đâu xa, tại AFF Cup 2020, đội tuyển Việt Nam phải nhờ tới lão tướng 35 tuổi Nguyễn Anh Đức để giải quyết trận chung kết lượt về với Malaysia.

Ở vòng bán kết, cầu thủ đã giải nghệ này cũng ghi một bàn thắng quan trọng vào lưới Philippines. Trong khi đó, Adisak Kraisom giành danh hiệu Vua phá lưới với 8 pha lập công nhưng Thái Lan phải dừng bước ở bán kết.

“Đúng là bóng đá Đông Nam Á đang thiếu những tiền đạo tầm cỡ như Kiatisak hay Lê Huỳnh Đức. Họ ngoài tài năng còn sở hữu sức hút lớn từ truyền thông tới người hâm mộ. Thế hệ các chân sút hiện tại làng nhàng, kém ổn định và thiếu cá tính”, HLV Hoàng Văn Phúc nhận xét.

Bên cạnh đó, ông Phúc cũng cho rằng, việc trình độ giữa các đội được thu hẹp lại và các đội bóng yếu tổ chức phòng ngự tốt hơn nên tiền đạo có ít đất diễn: “Trước đây AFF Cup xuất hiện những trận đấu tỷ số rất đậm, chênh lệch tới 8 - 9 bàn thắng nhưng giờ thì khác, khoảng cách chỉ dao động từ 2 - 4 bàn. Đối tượng bị tác động nhiều nhất trong sự thay đổi này chính là các chân sút”.

Hệ quả tất yếu của việc mở cửa

Đi sâu hơn về những nguyên nhân dẫn tới việc bóng đá Đông Nam Á nhiều năm trở lại đây thiếu tiền đạo giỏi, HLV Hoàng Văn Phúc nhận định, đây là hệ quả tất yếu của việc mở cửa đón nhận cái mới từ bên ngoài.

“Đông Nam Á là một trong những khu vực bóng đá đang phát triển. Các nền bóng đá trong khu vực khoảng hơn 10 năm qua đã dần tiến lên chuyên nghiệp, chú trọng chiêu mộ cầu thủ ngoại. Với ưu thế thể hình, thể lực, cầu thủ ngoại thường chiếm suất tiền đạo ở CLB khiến cầu thủ nội không được thi đấu thường xuyên.

Vì sao Tiến Linh và nhiều tiền đạo trở thành "pháo xịt" ở AFF Cup 2020? - Ảnh 2.

Công Phượng là một trong số ít các tiền đạo đang chơi tốt tại AFF Cup 2020. Ảnh: AFF

Chúng ta vẫn nói V-League ưa dùng tiền đạo ngoại nhưng các nước khác cũng vậy, thậm chí họ còn cấp phép tới 4 - 5 suất ngoại binh. Không được thi đấu, đương nhiên cầu thủ không thể phát triển, kể cả những cầu thủ có tiềm năng. Tiến Linh may mắn được trọng dụng ở Bình Dương, ngoài ra các trung phong Việt Nam ở V-League gần như chỉ dự bị hoặc chơi dạt cánh”, ông Phúc phân tích.

Đồng quan điểm, HLV Triệu Quang Hà cho rằng, việc đa phần các CLB Đông Nam Á tập trung nguồn lực cho tiền đạo ngoại binh đã kéo lùi sự phát triển của chân sút trong khu vực.

Mặc dù vậy, ông cũng khẳng định, đây là quy luật tất yếu của mọi nền bóng đá.

“Bóng đá chuyên nghiệp là cạnh tranh để phát triển, cầu thủ giỏi sẽ giúp chất lượng chuyên môn của giải đấu được nâng cao. Anh không đủ tốt để cạnh tranh thì phải chấp nhận, kể cả trên sân nhà. Anh chỉ có một cách duy nhất là rèn luyện, nâng cao sức cạnh tranh và chứng minh mình có thể đá chính”, ông Hà nói.

Cả hai vị HLV cũng chỉ ra, việc đào tạo bóng đá trẻ ở khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới cần tăng cường theo hướng chuyên sâu, bắt đầu từ khâu tuyển chọn.

“Phải thừa nhận rằng, đào tạo bóng đá trẻ ở khu vực chúng ta còn yếu. Những cầu thủ giỏi phần nhiều nhờ thiên bẩm chứ không phải là sản phẩm của quá trình đào tạo chuẩn mực.

Muốn có cầu thủ xuất sắc, cụ thể hơn là tiền đạo thì phải chuyên biệt hóa khâu đào tạo, tức anh nhắm ai cho vị trí này thì phải chăm chút từ đầu vào tới suốt quá trình huấn luyện chứ không thể cứ làm chung chung rồi nhặt vài cái tên lên đá tiền đạo”, HLV Triệu Quang Hà nêu định hướng.

“Nhiều quốc gia Đông Nam Á chọn cách nhập tịch các tiền đạo ngoại để gia tăng khả năng tấn công. Nhưng số này đa phần đã lớn tuổi, ở bên kia sườn dốc sự nghiệp nên hiệu quả không cao, nếu không muốn nói là rất thấp", HLV Triệu Quang Hà.