Vì sao ĐT Việt Nam lép vế trong đội hình đắt giá nhất AFF Cup 2020? - Ảnh 1.

ASEAN Football đưa ra định giá các cầu thủ dựa vào thông số từ chuyên trang chuyển nhượng transfermarkt.

Theo đó, ĐT Thái Lan có 6 cầu thủ nằm trong đội hình đắt giá nhất AFF Cup 2020 là hậu vệ trái Theerathon Bunmathan (đang khoác áo CLB Yokohama Marinos ở J.League có giá 900.000 euro), trung vệ nhập tịch người Đức Manuel Bihr (300.000 euro), tiền vệ Thitiphan (600.000 euro), Supachok Sarachat (500.000 euro), tiền đạo Dangda (600.000 euro) và ngôi sao được mệnh danh "Messi Thái Lan" Chanathip Songkrasin (1,6 triệu euro - đang khoác áo Consadole Sapporo ở J.League).

5 nhân tố còn lại trong đội hình đắt giá nhất AFF Cup 2020 là tiền đạo nhập tịch người Pháp của ĐT Lào Billy Ketkeophomphone (500.000 euro),  Safawi Rasid (Malaysia, 325.000 euro), Dion Cools (Malaysia, 1,5 triệu euro - đang khoác áo FC Midtjylland - Đan Mạch), trung vệ Quế Ngọc Hải (300.000 euro), thủ môn Nadeo (Singapore, 275.000 euro).


Vì sao ĐT Việt Nam lép vế trong đội hình đắt giá nhất AFF Cup 2020? - Ảnh 2.

Nhìn vào "định giá" kể trên, nhiều CĐV Việt Nam không khỏi chạnh lòng khi những tên tuổi như Quang Hải, Hoàng Đức, Tiến Linh... nếu xuất ngoại hoàn toàn có thể được định giá rất cao, không thua gì các tuyển thủ Thái Lan. Nhìn cách ĐT Việt Nam thể hiện ở vòng loại cuối cùng World Cup trước các đội bóng hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Australia, Ả Rập Xê-út, Oman, Trung Quốc; mà gần nhất là trận thắng thuyết phục ĐT Malaysia 3-0 tại vòng bảng AFF Cup 2020, tất cả đều hy vọng những "hạt ngọc" bóng đá Việt Nam sớm khẳng định được tên tuổi ở K.League, J.League, thậm chí là các giải bóng đá châu Âu, đúng với giá trị thực của họ.

Dưới góc nhìn của mình, BLV Vũ Quang Huy chia sẻ cùng Dân Việt: "Theo tôi, vấn đề nằm ở chỗ các cầu thủ ĐT Việt Nam lúc này chỉ thi đấu ở V.League. Mà trên bình diện quốc tế, V.League chẳng có "số má" gì cả. Ấn tượng V.League gần như chưa có gì, thua nhiều so với Thai-League chứ chưa nói đến J.League.

Tôi ví dụ đơn giản có những người tài năng nhưng ở trong một cơ quan có tiềm lực tài chính hạn hẹp thì phải chấp nhận mức lương hạn chế trong tập thể đó. Nếu không chấp nhận, bạn phải tìm đến một cơ quan mới, một môi trường mới tốt hơn để phát triển chuyên môn và có thu nhập xứng đáng. Đương nhiên khi đó cũng phải đối diện với những thách thức, sức ép công việc..."

img
img
img
img

Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Đoàn Văn Hậu đều đã xuất ngoại nhưng không thành công khiến những "người đi sau" cảm thấy e ngại khi có ý định "phiêu lưu" ở những nền bóng đá phát triển.

Theo BLV Quang Huy, thời gian qua, các cầu thủ như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Đoàn Văn Hậu đều đã xuất ngoại nhưng không thành công. Điều đó cũng khiến những "người đi sau" cảm thấy e ngại khi có ý định "phiêu lưu" ở những nền bóng đá phát triển.

"Đoàn Văn Hậu được coi là "Tây" nhất so với các cầu thủ Việt Nam rồi nhưng cũng không trụ lại được ở SC Heerenveen (Hà Lan). Phải nói thể lực là vấn đề rất lớn đối với cầu thủ Việt Nam khi ra nước ngoài thi đấu. Tôi muốn đề cập tới thể lực ở nghĩa rộng, không chỉ nằm ở sức bền, tốc độ... mà quan trọng là khả năng va đập. Minh chứng rõ nhất là cầu thủ Việt Nam đá AFF Cup rất ổn, nhưng đá vòng loại World Cup thường thua thiệt trong những tình huống tranh chấp tay đôi.

Khi không thành công ở nước ngoài, trở về nước, cầu thủ cũng phải mất thời gian bắt nhịp trở lại. Một chi tiết nữa là với các cầu thủ tài năng, đơn vị chủ quản cũng muốn giữ, không muốn cho đi. Họ có công đào tạo cầu thủ nên cũng muốn cầu thủ phục vụ CLB như trường hợp của Hoàng Đức".

Chốt lại, BLV Quang Huy nhấn mạnh: "Bóng đá Việt Nam cần mở rộng giao thương quốc tế, liên kết, hợp tác với các CLB nước ngoài nhiều hơn thì cầu thủ Việt Nam mới có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có cơ hội xuất ngoại, đến với những CLB phù hợp nhất để phát triển năng lực. Hoặc là khi ĐT Việt Nam có thành tích đột biến, giành vé dự vòng chung kết World Cup chẳng hạn, khi đó, các cầu thủ sẽ được các đội bóng nước ngoài quan tâm".

Vì sao ĐT Việt Nam lép vế trong đội hình đắt giá nhất AFF Cup 2020? - Ảnh 4.

Chia sẻ suy nghĩ của BLV Quang Huy, HLV HAGL, huyền thoại bóng đá Thái Lan Kiatisak khi trong một cuộc trò chuyện cùng Dân Việt cũng cho rằng cái thiếu khiến cầu thủ Việt Nam chưa thành công khi xuất ngoại nằm ở tâm lý, quá trình chuẩn bị, thể lực:

"Tôi nghĩ các cầu thủ Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Singapore có cùng chung thể hình, được đào tạo trên nền tảng bóng đá tương đương nhau. Khi đã có nhiều thành công trong nước (Dangda, Chanathip, Teerathon… đều vô địch Thai-League nhiều rồi – PV), bạn cần đi ra biển lớn để chinh phục thử thách. Bản thân tôi từng chơi bóng ở Malaysia, Singapore, Anh.

Tôi nói với các ngôi sao bóng đá Thái Lan mà tôi có dịp gặp gỡ, làm việc: Các bạn cần phải ra nước ngoài thi đấu để tích lũy kinh nghiệm. Phải coi thử thách như trải nghiệm thú vị của trong cuộc đời mình. Ở Việt Nam, Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng… chưa từng vô địch V.League. Và có lẽ họ chưa chuẩn bị sẵn sàng cho một chuyến xuất ngoại thành công".

HLV Kiatisak cho rằng chất lượng V.League và Thai-League ngang nhau. Công tác điều hành, tổ chức, mặt cỏ của Thai-League tốt hơn Việt Nam nhưng đó không phải là yếu tốt then chốt. Quan trọng nhất là nỗ lực, suy nghĩ, định hướng của bản thân mỗi cầu thủ:


Vì sao ĐT Việt Nam lép vế trong đội hình đắt giá nhất AFF Cup 2020? - Ảnh 5.

"Điều quan trọng nhất là không được mang tâm lý e ngại và lo sợ, cần phải tự tin. Vấn đề tiếp theo cần đặc biệt chú trọng là cải thiện thể lực. Nếu bạn thi đấu ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, thể lực của bạn phải cực tốt. Bạn cần tập luyện trên 100% sức lực thì mới đủ sức thi đấu ở nước ngoài. Về mặt kỹ thuật và chiến thuật bạn có thể học hỏi thêm từ HLV".

Ngoại ngữ cũng là một rào cản của cầu thủ Việt Nam khi xuất ngoại: "Ngôn ngữ bóng đá là ngôn ngữ chung trên toàn thế giới. Khi các cầu thủ ra sân, họ nói chung một ngôn ngữ là ngôn ngữ bóng đá. Nhưng bên ngoài sân cỏ lại là chuyện khác. Như bạn thấy đó, ở Học viện HAGL, bầu Đức đặc biệt chú trọng, giúp cầu thủ nói được tiếng Anh, giúp họ có thể tự tin, sẵn sàng ra nước ngoài thi đấu. Khi bạn có thể giao tiếp tốt, ăn ngủ tốt thì mọi việc rất thuận lợi".

Về phần mình, BLV Ngô Quang Tùng thể hiện quan điểm: "Cầu thủ nếu được sang châu Âu chơi bóng sẽ học hỏi được nhiều, giá trị trên thị trường chuyển nhượng cũng lớn hơn nhiều so với việc chỉ thi đấu ở V.League.

Nhưng khi sang châu Âu cũng phải có được "sức chịu đựng" ở tầm ấy. Thực tế, các cầu thủ Thái Lan cũng không thành công ở châu Âu và chỉ có thể tìm được chỗ đứng ở J.League".

Để khắc phục những hạn chế về năng lực, BLV Quang Tùng cho rằng đó là một quá trình dài, được tổ chức bài bản, khoa học: "Có rất nhiều vấn đề từ cách tuyển chọn, đào tạo cầu thủ trẻ từ các Học viện, trung tâm bóng đá. Sau đó giúp cầu thủ phát triển đúng lộ trình, có kế hoạch lớp lang chuẩn bị kỹ lưỡng "hành trang" cho cầu thủ tự tin xuất ngoại. Bóng đá Việt Nam thời gian qua đã làm khá tốt và trong tương lai gần, hy vọng sẽ có những cầu thủ Việt Nam khẳng định được mình ở những giải bóng đá hàng đầu châu Á như J.League, K.League... và châu Âu".

Vì sao ĐT Việt Nam lép vế trong đội hình đắt giá nhất AFF Cup 2020? - Ảnh 6.

Liên quan tới việc ĐT Việt Nam chỉ có duy nhất 1 mình Quế Ngọc Hải lọt vào đội hình đắt giá nhất AFF Cup 2020, trong khi ĐT Thái Lan có 6 người (4 cầu thủ thi đấu trong nước), BLV Hoàng Hải (Truyền hìn FPT) đưa ra lý giải về sự khác biệt mang tính chuyên nghiệp giữa V.League và Thai-League:

"Chúng ta đã có giải VĐQG chuyên nghiệp V.League, nhưng nếu nhìn sang Thai-League, họ đã đi trước chúng ta một khoảng cách rất xa. Họ có một giải quốc nội mạnh và bắt đầu xuất khẩu cầu thủ chất lượng ra những giải đấu hàng đầu châu Á. Cách làm truyền thông, kinh doanh hình ảnh của họ cũng vượt trội so với V.League.


Vì sao ĐT Việt Nam lép vế trong đội hình đắt giá nhất AFF Cup 2020? - Ảnh 7.

Cầu thủ họ được định giá cao hơn những Quang Hải, Công Phượng, Hoàng Đức... một phần cũng bởi họ biết làm hình ảnh cho những "viên ngọc thô" Thai-League. Từ bên ngoài nhìn vào, chúng ta phải nhìn nhận thực tế chúng ta nên học hỏi Thai-League về cách làm bóng đá. Không phải cứ làm bóng đá chỉ để phục vụ cho V.League, mà tư duy và tâm lý đã đến lúc nghĩ cho những điều xa hơn, đào tạo trẻ để xuất khẩu cầu thủ. 

Từ bên trong chính chúng ta, cần phải có những thay đổi toàn diện hơn nữa. Chúng ta cần thêm những ông bầu có tâm hơn nữa, phải đầu tư nhiều hơn, hiện đại và chuyên nghiệp hơn nữa trong rèn luyện cả về thể chất, chuyên môn và tri thức cho cầu thủ, trong đó đặc biệt là ngoại ngữ. Nếu không có ngoại ngữ thì cầu thủ sẽ thiệt thòi rất nhiều trong việc thích nghi khi ra nước ngoài thi đấu".

BLV Hoàng Hải lấy 2 ví dụ về trường hợp của Văn Hậu và Quang Hải để minh chứng cho câu chuyện kể trên: 

"Những đội bóng hàng đầu châu Á và châu Âu tìm đến thị thường cầu thủ Việt Nam với mục tiêu tìm những cầu thủ giá rẻ có tiềm năng phát triển để đào tạo rồi bán lấy lời. Nhưng cầu thủ Việt Nam khi đủ khả năng ra nước ngoài thi đấu thì hầu như không còn tiềm năng phát triển. 

Ví dụ điển hình như Văn Hậu. Cậu hội tụ đủ mọi yếu tố hấp dẫn kể trên như tuổi trẻ, khát khao, khả năng đã được khẳng định và nhiều tiềm năng phát triển. Đáng tiếc, Hậu đã không thành công ở Hà Lan bởi chấn thương. Khi đó, câu chuyện muôn thuở lại trở thành nguyên nhân. Văn Hậu không có, hoặc chưa có nền thể chất để có thể có chỗ đứng tại châu Âu.


Vì sao ĐT Việt Nam lép vế trong đội hình đắt giá nhất AFF Cup 2020? - Ảnh 8.

Còn với Quang Hải, Hải "con" chính là ví dụ điển hình nhất, thành công nhất cho cách làm bóng đá có đầu tư của Việt Nam trong khoảng 2 thập kỷ trở lại đây. 

Cùng với lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…bóng đá Việt Nam đã được hưởng quả ngọt từ cách làm thức thời và có chiến lược của bầu Đức, bầu Hiển, hay trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF, Viettel. Nhưng Quang Hải không nằm trong vùng quy hoạch "nhạy cảm" của bóng đá Việt Nam, đào tạo cầu thủ để đưa đi nước ngoài. 

Đời cầu thủ vốn ngắn, đặc biệt tại Việt Nam. Theo tôi, nếu có thể, đáng ra Quang Hải nên bước ra biển lớn châu Âu từ năm 2017, ngay sau VCK U20 thế giới nơi anh đeo chiếc băng đội trưởng.

Sau 4 năm, Quang Hải vẫn nằm ở top đầu các cầu thủ Việt Nam xuất sắc nhất, nhưng việc ra nước ngoài thi đấu thì vẫn đang được đặt dấu hỏi về sự thành công.

Xa hơn, chúng ta nhìn vào những Công Phượng - Tuấn Anh - Xuân Trường, những người đã từng ra nước ngoài thi đấu. Người hâm mộ có thể cảm nhận rõ được CLB chủ quản của họ không sẵn sàng với tâm lý chấp nhận "xuất khẩu cầu thủ". Để rồi khi thời gian trôi qua, chúng ta nhận ra rằng chỉ 5 năm nữa thôi, lứa học viên sáng giá nhất của HAGL ngày nào sẽ bước vào tuổi băm".

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem