Trong nhóm tham ô, bị cáo Lê Tấn Hùng (cựu Tổng giám đốc SAGRI) bị đề nghị mức án cao nhất - 14-16 năm tù, bị cáo thấp nhất là 5-6 năm tù.
Trong vụ án này, không riêng bị cáo nhóm tham ô mà các bị cáo nhóm khác đều được VKS đề nghị áp dụng hình phạt dưới khung. Việc đề nghị mức án trên cơ sở tính chất vai trò, vị trí từng bị cáo, đồng thời xem xét thái độ của các bị cáo trong quá trình điều tra, tại tòa và hậu quả gây ra trong vụ án.
"Các căn cứ cáo buộc hoàn toàn chính xác, đúng quy định pháp luật. Vụ án diễn ra trong nhiều năm, hành vi tại thời điểm nào vận dụng quy định tại thời điểm đó. Luật sư cố tình cắt ráp để cố tình hiểu sai, một số bài bào chữa tự mâu thuẫn. Thậm chí, có những bài bào chữa dùng theo ngôn ngữ pháp lý buộc tội lẫn nhau", đại diện VKS nhận định.
Về thiệt hại 672 tỷ đồng với tội vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, VKS quy kết là hoàn toàn có căn cứ. Về tội tham ô, đại diện VKS khẳng định việc quy kết sử dụng 10 hợp đồng khống ký kết với hai công ty lữ hành du lịch làm phương tiện chiếm đoạt tiền của SAGRI là có cơ sở. Số tiền tham ô được xác định dựa trên chứng cứ, chứng từ đã thu thập.
"Thực tế chưa một chuyến đi nào được thực hiện theo ký kết. Nội dung chương trình là tham quan du lịch tại các địa điểm nổi tiếng không nhằm mục đích nâng cao kinh nghiệm, học tập cách làm hay, làm tốt. Lý do phải ký hợp đồng đi thực tế học tập kinh nghiệm thì định mức thanh toán mới được 100% chuyến đi", đại diện VKS phân tích.
Ngoài ra, VKS còn xác định các bị cáo đã khắc phục toàn bộ hậu quả.
Về ý kiến các luật sư, bị cáo cho là "VKS đang làm vấn đề quá lớn, nâng cao quan điểm", VKS phân tích tội tham ô là đặc biệt nghiêm trọng, chỉ 1-5 tỷ đồng đã có mức cao nhất tử hình, đối với tội vi phạm các quy định về quản lý sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí từ 1 tỷ đồng trở lên đã có mức hình phạt 20 năm tù.
VKS tái khẳng định, cáo trạng quy kết SAGRI sử dụng 10 hợp đồng khống chiếm đoạt tiền là hoàn toàn có cơ sở. Về số tiền thiệt hại, dựa trên tài liệu, chứng cứ như ủy nhiệm chi, kết quả sao kê, tài liệu chứng từ thể hiện, 13,3 tỷ đồng đã thất thoát khỏi SAGRI trái quy định.
VKS xác nhận lại, số tiền tham ô đã được khắc phục hậu quả, bao gồm số tiền thu lợi bất chính hơn 200 triệu đồng. Vì vậy, VKS giữ nguyên quan điểm như đã đề nghị với các bị nhóm tội "tham ô tài sản".
Cụ thể, theo VKS, có 2 nội dung không thể phủ nhận, SAGRI là 100% vốn Nhà nước và có sự việc SAGRI ký 6 hợp đồng 4,9 tỷ với Công ty Du lịch Thanh niên xung phong và 4 hợp đồng 8,3 tỷ với Công ty Du lịch Lữ hành Hòa bình Quốc tế. Cả 10 hợp đồng cho cán bộ, nhân viên đi tham quan, tổng cộng 13,3 tỷ, đều được thanh toán 100%, thoát ly 100% khỏi quản lý của SAGRI. Nhưng thực tế, chưa một chuyến đi nào được tổ chức.
Về ý thức bị cáo, việc không tổ chức chuyến đi, luật sư bào chữa cho rằng hoàn cảnh khách quan năm 2016 nên phải lùi sang năm 2017 và đây là cơ sở nhận định bị cáo không có ý thức chiếm đoạt. Theo VKS, đây là nhận định chưa đúng, bởi lẽ 10 hợp đồng trên sẽ không thực hiện được, mà là phương tiện, cơ sở để các bị cáo rút tiền ra khỏi SAGRI.
Đối với 6 hợp đồng Công ty Du lịch Thanh niên xung phong thể hiện, bị cáo Trường, Thúy đều thừa nhận trao đổi qua gmail đã nghiên cứu kỹ thì chắc chắn đều thấy rõ thời gian hiển thị trao đổi là từ 20/9/2016 – 26/9/2016. Tuy nhiên, kiểm tra hợp đồng, ngày khởi hành là 17/9/2016, trước cả thời điểm lên chương trình tour, hợp đồng đã được ký. Như vậy, không có việc tổ chức tour nhưng không đi vì hoàn cảnh khách quan, mà là tổ chức tour để lấy tiền.
Nội dung mail trao đổi, có nêu, do tiền quá nhiều phải trích ra nhiều đợt, chia nhiều gói nhỏ, nội dung tham quan du lịch ở các nước. Nếu như đơn thuần chỉ muốn tìm khách hàng thì chắc chắn không phải hỏi cần bao nhiêu tiền để điều chỉnh hợp đồng cho phù hợp.
Về 4 hợp đồng của Công ty Du lịch Lữ hành Hòa Bình Quốc tế, cũng thể hiện ngày thanh lý hợp đồng trước ngày SAGRI chuyển tiền.