Cảnh báo trên được Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Nga, Ukraine và NATO. Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Putin vừa tổ chức một cuộc họp trực tuyến kéo dài 2 giờ nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng liên quan đến các hoạt động quân sự của Nga gần biên giới Ukraine. Ukraine và các nước phương Tây cáo buộc Nga đang tập trung khoảng 100.000 quân tại biên giới, làm dấy lên nỗi quan ngại Điện Kremin có thể đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Ukraine.
Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần phủ nhận việc đang chuẩn bị cho bất cứ một cuộc chiến nào. Giới chức Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc về "một cuộc xâm lược cận kề" và tuyên bố rằng, các cáo buộc như vậy là “điên loạn”.
“Bất cứ hoạt động chuyển quân nào bên trong lãnh thổ chúng tôi đều không tạo ra mối đe dọa với bất cứ ai và sẽ không gây ra mối quan ngại cho ai”, Phát ngôn viên Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố với báo giới.
Trong một cuộc điện đàm đầu tuần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson của Anh nhắc lại lời cảnh báo với nhà lãnh đạo Nga Putin rằng bất kỳ cuộc tấn công nào cũng sẽ gây ra "hậu quả đáng kể" và bất kỳ "hành động gây bất ổn" nào của Nga sẽ phải nhận lấy phản ứng đáp trả thống nhất từ các nước phương Tây.
Sau cuộc điện đàm giữa Johnson và Putin, Thứ trưởng Ryabkov nói với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti rằng Nga “sẽ đáp trả quân sự” nếu NATO tiếp tục vũ trang cho Ukraine đồng thời cảnh báo "sẽ có đối đầu".
Thứ trưởng Nga cũng tuyên bố thêm rằng nước này sẽ triển khai các vũ khí trước đây bị cấm theo Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), một thỏa thuận kiểm soát vũ khí được ký kết vào năm 1987 bởi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Hiệp ước hết hạn vào năm 2019 nhưng cả Washington và Moscow vẫn chưa có động thái triển khai các loại vũ khí hạt nhân bị cấm theo thỏa thuận.