Chế tài mạnh
Rượu, bia tác động tới hệ thần kinh trung ương, kích thích tâm lý và gây cảm giác buồn ngủ, mệt mỏi. Nó làm cho thời gian phản ứng của lái xe chậm lại, quá trình suy nghĩ của họ thiếu sáng suốt, giảm khả năng tập trung khi lái xe và còn gây tác dụng phụ như mờ mắt và nặng tai... làm gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông.
Theo các luật sư, các cá nhân lái xe gây tai nạn khi đã uống rượu, bia, tùy mức độ có thể bị phạt tù đến 15 năm, phạt hành chính ở mức cao và bị tước giấy phép lái xe. Việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là tình tiết tăng nặng đối với lái xe gây tai nạn.
Có thể thấy, chế tài của pháp luật đã rất rõ ràng. Thế nhưng, nhiều người vẫn "phớt lờ" các quy định, vẫn lái xe khi đã sử dụng rượu bia. Đã có hàng trăm phiên tòa xét xử tài xế lái xe đâm chết người khi nồng độ cồn trong máu ở mức cao. Những tài xế này đã phải nhận những bản án nghiêm khắc. Thế nhưng, dường như vẫn chưa đủ răn đe với nhiều người.
Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, tỷ lệ công dân tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia chiếm 68%, trong đó khoảng 40% người say rượu, bia vẫn tiếp tục lái xe.
Vào mỗi đợt cuối năm, lễ, Tết, người ta lại giật mình khi thấy thống kê số người chết vì rượu bia tăng cao. Để giảm bớt tình trạng này, nhất là kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa các nguy cơ về tai nạn giao thông, các cơ quan chức năng cần quyết liệt triển khai các biện pháp về kiểm tra, xử lý và xử phạt thật nặng để bảo đảm tính răn đe.
Tăng cường quản lý nhà nước về rượu bia
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn giao thông, các cơ quan chức năng nên tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng rượu, bia. Giải pháp này tập trung vào việc kiểm soát nhu cầu sử dụng, kiểm soát việc cung cấp, giảm tác hại của việc lạm dụng rượu bia. Đó là các biện pháp kiểm soát sử dụng; kiểm soát chặt quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi; áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm sử dụng, hạn chế buôn lậu.
Các cơ quan nhà nước tăng cường thực hiện và kiểm tra, xử lý vi phạm quy định cấm sử dụng rượu bia trước và trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bữa ăn trưa và ngày trực. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm đưa quy định về cấm sử dụng rượu bia vào nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đồng thời tổ chức và giám sát việc thực hiện.
Về việc kiểm soát việc cung cấp, đó là quy hoạch đồng bộ về sản xuất, kinh doanh rượu bia trong cả nước và từng địa phương. Song song đó là việc kiểm soát kinh doanh rượu thủ công (như quản lý chặt việc cấp phép; xây dựng cơ chế để tổ chức, cá nhân tham gia làng nghề ở các địa phận có làng nghề); kiểm soát việc ghi nhãn rượu bia; kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu bia…
Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền nhằm từng bước thay đổi nhận thức của xã hội về sử dụng rượu, bia.
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu được tác hại, ảnh hưởng của rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông; hiểu rõ được tính nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện giao thông trong khi nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép. Đồng thời, cơ quan chức năng tuyên truyền mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm nhằm tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng. Ðối với những người ngồi trên xe có trách nhiệm nhắc nhở cũng như phản đối những người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia.
Ðặc biệt ở các huyện miền núi, miền biển thường có tỷ lệ người trẻ nghiện rượu, bia cao cần có sự phối hợp giữa chính quyền, dòng họ và gia đình hạn chế sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất cần phải chú trọng cả nội dung và hình thức. Hình thức tuyên truyền cần phải đa dạng, hấp dẫn, phong phú.
Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Lực lượng chức năng xử phạt người lái xe uống rượu, bia có nồng độ cồn vượt quá quy định. Đối với cán bộ công chức, không chỉ xử lý hành chính mà còn xem xét kỷ luật khi lái xe uống rượu bia.