Ngày 15/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin ghi nhận thêm 1.357 ca mắc Covid-19, trong đó có 611 ca cộng đồng, 609 ca khu cách ly và 137 trường hợp khu phong tỏa. Đây tiếp tục là ngày có ca mắc cao nhất tại Hà Nội kể từ khi có dịch.
Phân bố 1357 bệnh nhân tại 294 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện: Đống Đa (256); Hoàng Mai (200); Hai Bà Trưng (145); Chương Mỹ, Gia Lâm (67); Nam Từ Liêm, Đông Anh (58); Bắc Từ Liêm (56); Thanh Trì (50); Hoàn Kiếm (49); Cầu Giấy (44); Thường Tín, Tây Hồ (40); Thanh Xuân (29); Sóc Sơn (28); Hà Đông (23); Thanh Oai (21); Ba Vì (20); Hoài Đức (18); Mê Linh, Phú Xuyên (14); Quốc Oai (13); Ba Đình (12); Thạch Thất (8); Long Biên (7); Sơn Tây (6); Ứng Hòa (5); Mỹ Đức (4); Đan Phượng (3); Phúc Thọ (2).
Phân bố 611 ca cộng đồng theo theo quận, huyện (phân bố tại 180 xã phường thuộc 28/30 quận huyện): Hoàng Mai (139); Đống Đa (110); Hai Bà Trưng (101); Thanh Trì (29); Gia Lâm (26); Bắc Từ Liêm (23); Cầu Giấy (22); Đông Anh (21); Chương Mỹ (19); Hoàn Kiếm (17); Nam Từ Liêm, Thanh Xuân (15); Sóc Sơn, Tây Hồ (8); Mê Linh, Thường Tín, Hà Đông, Long Biên (7); Thạch Thất, Ứng Hòa (5); Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ba Vì (4); Hoài Đức (3); Quốc Oai (2); Đan Phượng, Ba Đình, Sơn Tây (1).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 21.467 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 8.223 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 13.244 ca. Đây tiếp tục là ngày ghi nhận số ca mắc cao kỷ lục tại Hà Nội.
Kết luận tại hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, ngày 15/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thắng bại trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 hiện nay nằm ở y tế cơ sở. Vì thế, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải quán xuyến toàn diện, bố trí đủ trạm y tế lưu động khi ca F0 tăng mạnh, không để dân gọi mà không thấy bác sĩ, cần điều trị mà không có thuốc.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, số bệnh nhân Covid-19 mới phát sinh một tuần gần đây đã tăng lên bình quân hơn 750 ca/ngày so với khoảng 460 ca/ngày trong một tuần trước đó. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Với phương châm tập trung tối đa cho tuyến cơ sở, đặt y tế cơ sở là trọng tâm để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ông Dũng đề nghị Ban Cán sự đảng UBND TP tiếp tục chỉ đạo phân cấp, giao quyền rõ ràng cho các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm về phòng chống dịch, cụ thể là xác định cấp độ và triển khai các biện pháp áp dụng tương ứng trên địa bàn.
Từng quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo đánh giá và xác định nhu cầu bố trí các trạm y tế lưu động theo số dân và từng cấp độ dịch. Ví dụ, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) với số dân lên tới 9 vạn người mà chỉ có 1 trạm y tế phường thì có thể phải tính toán sẵn sàng bố trí thêm nhiều trạm y tế lưu động khi cần thiết.
Trước mắt, Ban Cán sự đảng UBND TP và Đảng đoàn HĐND TP.Hà Nội phối hợp tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách mua sắm vật tư, máy xét nghiệm, thiết bị y tế… để tăng cường cho bệnh viện cấp huyện nâng cao năng lực xét nghiệm khắc phục việc trả mẫu chậm, quá tải.