Mặc dù, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định mức xử phạt nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn quá mức cho phép, thế nhưng các vi phạm về trật tự ATGT liên quan đến rượu, bia vẫn còn diễn ra và để lại những hậu quả nặng nề cho người tham gia giao thông.
Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào tối 29/10 vừa qua trên địa bàn TP Hội An khiến một phụ nữ đi xe máy tử vong tại chỗ, 2 người khác bị thương nặng là một minh chứng cụ thể nhất về hệ luỵ uống rượu bia vẫn điều triển phương tiện giao thông.
Khoảng 19h50 ngày 29/10, anh Nguyễn Th. (SN: 38 tuổi, trú xã Cẩm Hà, TP Hội An) điều khiển xe ôtô BKS: 92A-063.57 chạy theo hướng Hội An đi Đà Nẵng. Khi lưu thông đến trước nhà số 633 Nguyễn Tất Thành, đoạn qua khối phố Bàu Súng, phường Thanh Hà, TP Hội An thì bất ngờ xảy ra va chạm mạnh với 3 xe máy đi theo chiều ngược lại.
3 chiếc xe máy gặp nạn gồm: xe máy BKS: 92C1-232.12 do chị Trần Võ Khánh L. (33 tuổi, trú xã Cẩm An, TP Hội An) điều khiển; xe máy BKS: 92C1-187.13 do chị Nguyễn Thị H (27 tuổi, trú xã Cẩm An) điều khiển và xe máy mang BKS: 92F1-094.83 do chị Nguyễn Thị S (35 tuổi, trú xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) điều khiển.
Hậu quả vụ tai nạn khiến chị L. tử vong tại chỗ, chị H. và chị S. bị thương. Tại hiện trường, đầu xe ôtô bị biến dạng, 3 chiếc xe máy bị hư hỏng nặng, mảnh vỡ rơi vãi khắp đường.
Công an TP Hội An xác nhận kết quả kiểm tra cho thấy, người điều khiển chiếc ôtô trong vụ tai nạn có nồng độ cồn trong hơi thở. Điều này cho thấy người đàn ông này đã sử dụng bia, rượu trước khi lái xe. Công an TP Hội An sau đó đã làm việc với tài xế và những người liên quan, hoàn tất các hồ sơ để ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật.
Dù thời gian trôi qua đã khá lâu, nhưng hẳn người dân huyện Đại Lộc vẫn chưa quên vụ tai nạn giao thông kinh hoàng xảy ra vào tháng 4 vừa qua khiến 2 người chết, 5 người bị thương. Theo đó, vào khoảng 18h40 tối 9/4/2021, tài xế Châu Văn A. (46 tuổi; ngụ thôn Tây Gia, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc) điều khiển ô tô 7 chỗ lưu thông trên đường ĐH03 theo hướng từ xã Đại An đi Đại Cường. Khi qua địa phận thôn Phú Hòa, ôtô này đã tông vào 4 xe máy rồi tiếp tục va chạm với một xe tải chạy ngược chiều. Hậu quả, 2 người chết tại chỗ, 5 người bị thương. Tại hiện trường nhiều xe máy nằm la liệt, nhiều mảnh vỡ xe máy vương vãi khắp nơi.
Danh tính 2 người tử vong được xác định là bà Phạm Thị Bích L. (49 tuổi; ngụ thôn Phú Phước, xã Đại An) và chị Nguyễn Thị A. (33 tuổi; ngụ thôn Phú Mỹ, xã Đại An). 5 người bị thương gồm: anh Trương Văn Nhật (24 tuổi; ngụ xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc), chị Nguyễn Thị S. (21 tuổi), ông Nguyễn Đ. (60 tuổi; cùng ngụ xã Đại Cường), anh Phan Văn Th. (38 tuổi) và cháu Huỳnh Minh Ngh. (5 tuổi; cùng ngụ xã Đại An). Tất cả 7 nạn nhân đều đi trên 4 xe máy.
Sau khi gây tai nạn, tài xế lái chiếc ô tô đã đến công an tự thú. Qua kiểm tra, tài xế Ánh có nồng độ cồn trong máu, chứng tỏ người này đã sử dụng bia rượu trước khi lái xe. Công an đang tạm giữ người này để phục vụ công tác điều tra.
Có thể thấy, người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông để lại hậu quả nặng nề. Khi xảy ra tai nạn giao thông, họ sẽ là người bị ảnh hưởng đầu tiên. Nhẹ nhàng thì bị thương tật, không may thì bị tước đi mạng sống. Nhiều người đặt ra câu hỏi, phải chăng chế tài xử phạt vi phạm nồng độ cồn còn quá nhẹ?, chưa đủ sức răn đe, khiến nhiều người vẫn coi thường pháp luật, liên tục vi phạm an toàn giao thông. Xin thưa, không phải là nhẹ. Điểm c) Khoản 6, Điểm c) Khoản 7, Điểm e) g) Khoản 8 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ đã quy định rất rõ như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: e) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; g) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;
Như vậy, có thể khẳng định chế tài nhà nước đã có đầy đủ. Ở đây là do ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Theo các chuyên gia giao thông, do không kiểm soát được nhận thức và hành vi bởi tác động của chất cồn trong cơ thể, người sử dụng rượu bia thường không làm chủ được tay lái, có xu hướng phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành tín hiệu đèn và hay ngủ gật khi đang điều khiển phương tiện dễ dẫn đến người điều khiển tự gây tai nạn (do tông vào dải phân cách, gốc cây, trụ điện, các xe khác đang dừng đỗ…) hoặc gây tai nạn với các phương tiện khác. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các thương tật nặng nề, cái chết đau lòng cho người tham gia giao thông.
Có thể thấy, thời gian qua bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, thì việc tăng cường tuần tra kiểm soát giao thông của CSGT là giải pháp hữu hiệu để tác động vào nhận thức của người dân. Duy trì liên tục các tổ tuần tra, kiểm soát, tập trung vào các hành vi vi phạm để giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông đau lòng.