Dân Việt

Xử lý nghiêm những đối tượng tham gia giao thông chống đối kiểm tra nồng độ cồn

Biên Thùy 02/12/2021 17:23 GMT+7
Tình trạng một số "ma men" khóa xe, cố thủ bên trong, hay bỏ lại phương tiện khi bị cảnh sát giao thông kiểm tra, đo nồng độ cồn đang có hiện tượng gia tăng trong nhiều tháng trở lại đây. Đây là những "chiêu trò" nhằm đối phó với cơ quan chức năng, để hạn chế tình trạng này cần phải xử lý mạnh tay.

Thời gian gần đây, khi các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn và ma túy đã gặp phải không ít những trường hợp đối phó, chống đối, thậm chí chống người thi hành công vụ chỉ vì người vi phạm sợ bị đo nồng độ cồn. 

Một trong những "chiêu trò" phổ biến nhất đó là khi bị CSGT dừng xe kiểm tra nồng độ cồn là tài xế cố thủ trong ô tô hoặc xuống xe khóa cửa ô tô (hoặc khóa cổ xe máy) rồi bỏ đi. Các chủ xe sẽ đợi đến hôm sau hết nồng độ cồn mới đến làm việc với lực lượng chức năng rồi đóng phạt.

Nhiều người cho rằng, khi làm như thế chỉ bị phạt 1,5 triệu đồng và một ít chi phí phụ (cẩu xe, phí giam giữ xe) về hành vi không tuân theo hiệu lệnh của CSGT là quá rẻ so với mức phạt có thể lên đến 40 triệu đồng và tước GPLX 23 tháng nếu bị xử phạt về vi phạm nồng độ cồn.

Tuy nhiên, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định rõ, trong trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị xử lý ở mức độ cao nhất về vi phạm nồng độ cồn, cho dù người điều khiển có đo nồng độ hay không. Vì vậy, không có chuyện khi người vi phạm khóa xe bỏ đi chỉ bị phạt với hành vi không chấp hành hiệu lệnh CSGT.

Xử lý nghiêm những đối tượng tham gia giao thông chống đối kiểm tra nồng độ cồn - Ảnh 1.

“xế hộp” bị niêm phong sau đó xử phạt 41,1 triệu đồng vì tài xế cố thủ trong xe.

Thực tế cho thấy đã có nhiều trường hợp chống đối bị cơ quan chức năng xử phạt mạnh tay. Có thể kể đến vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với ông Phan Văn N. (41 tuổi, trú tại thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Ông N. đã bị UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, ông N. bị xử phạt trong trường hợp không chịu đo nồng độ cồn, cố thủ trong xe, tổng mức xử phạt là 41,1 triệu đồng.

Trước đó, lực lượng CSGT - Trật tự Công an thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra trên tuyến đường Lê Hồng Phong (thị xã Quảng Trị), đã ra hiệu lệnh dừng, kiểm tra đối với xe ô tô mang BKS: 74A- 059.89 do ông Phan Văn N. điều khiển.

Tuy nhiên, ông N. không hợp tác với lực lượng chức năng mà còn khóa trái cửa và cố thủ trong xe. Sau nhiều giờ tuyên truyền vận động nhưng không có kết quả, lực lượng chức năng phải dùng biện pháp nghiệp vụ để mở cửa xe ô tô trên.

Xử lý nghiêm những đối tượng tham gia giao thông chống đối kiểm tra nồng độ cồn - Ảnh 2.

CSGT đo nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh minh họa

Khi ra khỏi xe, ông N. vẫn không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn và không xuất trình được các loại giấy tờ để lực lượng chức năng kiểm tra theo quy định. Công an thị xã Quảng Trị đã lập biên bản các vi phạm theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, niêm phong xe ô tô BKS 74A- 059.89 nói trên đưa về nơi tạm giữ để xử lý theo quy định.

Đáng chú ý, trong số tiền phạt 41,1 triệu đồng trên, ngoài bị phạt 35 triệu đồng do không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ, ông N. còn bị phạt 16 triệu đồng do không có GPLX, không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực, không mang theo giấy đăng ký xe và không mang theo giấy chứng nhận kiểm đinh an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện.

Có thể thấy, hành vi chống đối người thi hành công vụ khi người tham gia giao thông khi có "ma men" nhập đang ở mức báo động. Phần sâu xa hơn đây là sự coi thường pháp luật, sự an toàn và tính mạng của những người khác.

Nhiều người khi bàn đến vấn đề này đã rất bất bình với hành vi của một bộ phận lái xe sử dụng rượu bia nhưng vẫn lái xe. Hành vi này rất nguy hiểm, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng tới sinh mạng của mình và người khác. Và việc chống đối lực lượng chức năng là hành vi trái pháp luật, cần phải nghiêm trị, đem lại sự bình yên cho xã hội và an toàn cho người tham gia giao thông.

"Thiết nghĩ nhà nước nên có chế tài mạnh hơn đối với những người uống rượu bia nhưng vẫn tham gia giao thông gây tai nạn chết người. Đối với những trường hợp này, cơ quan chức năng nên mạnh tay một là xử phạt mức tiền thật cao, hai là giữ xe và thu bằng lái. Trường hợp này nên cho tài xế vi phạm đi học lại bằng lái xe…", một người dân Quảng Trị cho hay.