Trả lời vấn đề này, bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng cho biết, có tình trạng phát sinh kinh phí đền bù xảy ra ở nhiều dự án trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua.
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này.
Theo đó, trước đây tại một số dự án, các ban quản lý (BQL) và các đơn vị giải phóng mặt bằng đã không có sự phối hợp chặt chẽ trong việc xác định về khái toán kinh phí, dự toán kinh phí đền bù và phương án tái định cư nên khi triển khai thực hiện, việc phát sinh kinh phí đền bù rất lớn, thậm chí là thiếu quỹ đất để tái định cư.
Bên cạnh đó, thời điểm thực hiện khái toán kinh phí đền bù, tái định cư tại giai đoạn chuẩn bị đầu tư, các đơn vị chỉ đi kiểm tra, rà soát và lên dự toán mà chưa thực hiệm kiểm đếm, đo đạc, chưa có hồ sơ cụ thể để xác định chính xác về khối lượng và giá trị đền bù thực tế nên có phần thiếu chính xác.
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Thị Thanh Tâm, thời gian chuẩn bị dự án kéo dài cũng là nguyên nhân làm phát sinh kinh phí đền bù. Dẫn chứng tại dự án Trục I Tây Bắc chuẩn bị từ 2017 nhưng đến 2019 mới bắt đầu triển khai khiến chi phí đền bù chênh lệch lớn so với thời điểm ban đầu.
Mặt khác, giá đất thị trường trong những năm qua tăng nhanh, làm chênh lệch rất lớn so với giá đền bù gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, buộc phải điều chỉnh lại phương án tái định cư, phát sinh chi phí đền bù cho người dân.
"Giá đền bù tại các dự án từ năm 2015-2017 đến 2019-2020 bình quân tăng 4 lần. Ví dụ như tại đường Hồ Tùng Mậu thuộc dự án Trục I Tây Bắc từ 5,2 triệu đồng tăng 19,3 triệu; đường Hồ Ngọc Lãm đến đường Trương Định giá từ 4,8 triệu đồng tăng lên 38,9 triệu đồng… Con số chênh lệch rất lớn khiến giá trị đền bù điều chỉnh nhiều", Giám đốc Sở KH-ĐT dẫn chứng.
Thêm vào đó là công tác phối hợp giữa BQL và UBND các quận, huyện trong công tác giải phóng mặt bằng chưa chặt chẽ, chưa đề xuất được kế hoạch giải phóng mặt bằng hợp lý theo tiến độ thi công công trình, thiếu đồng bộ.
Theo báo cáo, giai đoạn 2016-2020, TP.Đà Nẵng có 76 dự án mang tính động lực, trọng điểm cần tập trung triển khai, tuy nhiên đến nay mới có 7 dự án và 1 dự án thành phần hoàn thành. Việc tiến độ thi công các dự án chậm, kéo dài nhiều năm làm tăng kinh phí, không phát huy hiệu quả đầu tư.
Như dự án tuyến đường Trục I Tây Bắc đoạn Hồ Tùng Mậu đến Quốc lộ 1A tăng thêm 273 tỷ đồng so với 376 tỷ đồng ban đầu; tuyến đường vành đai phía Tây điều chỉnh lần 1 từ 85,6 tỷ đồng lên 244,5 tỷ đồng, điều chỉnh lần 2 lên 359 tỷ đồng. Đặc biệt, có dự án tăng tổng mức đầu tư lên đến hơn 20 lần, đó là dự án đường vành đai phía Tây 2 tăng 1.800 tỷ đồng so với 87 tỷ đồng dự kiến ban đầu.
"Việc quản lý đô thị trước đây đối với một số khu đất mà người dân được làm nhà trên đất nông nghiệp cũng phát sinh thêm nhiều vấn đề liên quan đến việc đền bù và bố trí tái định cư", Giám đốc Sở KH-ĐT nói thêm.
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Thị Thanh Tâm, Sở đã đề xuất một số giải pháp liên quan đến vấn đề này.
Cụ thể, tập trung các BQL, chủ đầu tư phối hợp để tính toán lại giá trị đền bù cho đúng, lập dự toán phù hợp để tránh việc điều chỉnh chủ trương đầu tư quá nhiều như hiện nay.
Giao cho các quận, huyện chủ trì và chịu trách nhiệm về công tác đền bù, giải toả các dự án. Gắn trách nhiệm cho người đứng đầu để tạo sự chủ động hơn trong việc giải quyết vướng mắc, đề xuất khó khăn cùng nhau tháo gỡ.
Đồng thời, để tránh tình trạng kéo dài thời gian thực hiện thi công do giải toả đền bù, TP yêu cầu các BQL phải có mặt bằng thi công đạt tối thiểu 30% thì mới được tổ chức đấu thầu dự án.
Về vấn đề này, ông Lương Nguyễn Minh Triết - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng cho rằng, không thể chỉ đổ lỗi cho việc phát sinh kinh phí đền bù hàng trăm, nghìn tỷ đồng tại nhiều dự án do vướng công tác giải phóng mặt bằng.
"Không ai chịu trách nhiệm, cứ đổ vào việc giải toả đền bù, rồi điều chỉnh đầu tư, buộc HĐND bấm bụng thông qua vì công trình đang thi công nửa chừng là rất vô lý. Phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc phát sinh kinh phí", ông Triết nói.
Đó là nhận định của Giám đốc Sở TNMT TP.Đà Nẵng tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 4, HĐND TP.Đà Nẵng khóa X, chiều 16/12.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 4, HĐND TP.Đà Nẵng khóa X chiều 16/12, đại biểu Võ Công Chánh cho biết, qua thanh tra, kiểm tra đã xuất hiện những bất cập, sai phạm của bộ phận đăng ký đất đai (ĐKĐĐ), trong đó có vụ việc mất 25 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ quận Sơn Trà.
"Qua thống kê, số đơn thư khiếu nại liên quan đến đất đai luôn chiếm trên 60% tổng số đơn thư. Với vai trò quản lý nhà nước, trực tiếp chỉ đạo hoạt động Văn phòng ĐKĐĐ, Sở TMMT đã làm gì để chấn chỉnh tình trạng trên trong thời gian tới?", ông Võ Công Chánh chất vấn.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TNMT TP.Đà Nẵng cho biết, việc mất 25 giấy CNQSĐ (sổ đỏ) tại chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ quận Sơn Trà xảy ra vào khoảng tháng 8/2020. Ngay sau vụ việc, Sở đã báo Công an TP để truy xét, thu hồi và trao trả 19 sổ đỏ vào tháng 9/2020. Số còn lại, Sở TNMT đã chỉ đạo Văn phòng ĐKĐĐ lập các thủ tục liên quan để cấp lại cho công dân. Theo ông Hùng, việc mất sổ đỏ là do bà Dương Thị Ngọc Anh, cán bộ chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ quận Sơn Trà sau khi tiếp nhận hồ sơ gốc để thực hiện các hồ sơ nghiệp vụ về chuyển hượng đất đai đã lợi dụng quyền hạn, nhiệm vụ được giao để chiếm đoạt sổ đỏ của công dân.
"Ngoài nguyên nhân chủ quan là vi phạm của cán bộ thì công tác quản lý của đơn vị còn thiếu đôn đốc, kiểm tra, giám sát nên dẫn đến tạo ra kẽ hở để bà Dương Thị Ngọc Anh lợi dụng chức vụ quyền hạn để lấy cắp 25 giấy CNQSDĐ", ông Hùng chỉ rõ.
Theo Giám đốc Sở TNMT TP.Đà Nẵng, sau vụ việc, lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng, Thường trực Thành ủy giao nhiệm vụ cho Sở TNMT thanh tra toàn diện các chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ trên toàn địa bàn. Sở đã chấn chỉnh hoạt động của các chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ. Trong đó, đã tổ chức lại bộ máy chi nhánh theo đúng đề án việc làm đã được phê duyệt; thực hiện việc sắp xếp kiện toàn bộ máy, thực hiện sát hạch cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang tác tại Văn phòng ĐKĐĐ.
"Năng lực và chuyên môn của đội ngũ cán bộ này còn hạn chế. Nhiều cán bộ làm trong lĩnh vực đất đai nhưng không có chuyên môn đào tạo phù hợp. Vừa qua, Sở đã liên kết với Trường Đại học Nông lâm đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức, người lao động có trình độ đào tạo chưa phù hợp, chuẩn hóa kiến thức", ông Tô Văn Hùng nói.
Sở TNMT TP.Đà Nẵng cũng đã ban hành nhiều văn bản để chấn chỉnh, khắc phục hạn chế trong hoạt động của Văn phòng ĐKĐĐ; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm những người có liên quan.